Bình Định xuất hiện ca bệnh Whitmore

(PLVN) - TS.BS Nguyễn Hoành Cường (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết, Bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (còn gọi vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore).  
Vi khuẩn Whitmore. Hình minh họa
Vi khuẩn Whitmore. Hình minh họa

Nữ bệnh nhân 29 tuổi sống ở Sông Cầu, Phú Yên, có tiền sử đái tháo đường týp 1 cách đây 1 năm nhập viện ngày 30/9 với các triệu chứng sốt cao 400C, sưng đau vùng cổ trái… Sau một ngày điều trị, 1/10/2019 bệnh nhân hết sốt, đường huyết còn cao, chuyển Khoa Nội Tổng hợp điều trị tiếp. 

15 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân có các triệu chứng sưng đau, nóng, đỏ vùng cổ trái, kèm sốt, ớn lạnh, mệt mỏi về chiều. Bệnh nhân có đi khám và điều trị ngoại trú với chẩn đoán viêm hạch cổ nhưng không đỡ. 

ThS. BS Nguyễn Hữu Lành, Trưởng khoa Nội Tổng hợp thông tin: “Sau khi cấy máu có kết quả ngày 4/10, xác định bệnh nhân nhiễm trùng huyết Burkholderia pseudomallei nhạy cảm với các kháng sinh ceftazidim hiện đang dùng cho bệnh nhân. Sau 7 ngày điều trị bệnh nhân hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định”.

Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra; có thể mắc khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Bệnh khó lây truyền từ người sang người.

Bệnh thường gặp ở những đối tượng giảm sức đề kháng như đái tháo đường, bệnh gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính… Thời gian ủ bệnh 1-21 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện 2-4 tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi đau đầu, chán ăn; sốt, loét, áp xe; ho, đau ngực…

Đọc thêm