Bình Dương: Đưa 117 khu đất để đấu giá phục vụ phát triển kinh tế xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Dương vừa trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Đấu giá và đấu thầu

Ông Ngô Quang Sự - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Dương cho biết, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TN-MT đã xây dựng Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cho giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

Bình Dương khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình Dương khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, Đề án gồm tổng số 117 khu đất, với diện tích khoảng 22.202 ha trên địa bàn 9/9 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo 2 cơ chế là đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất.​​ Để quá trình triển khai thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao và đảm bảo tiến độ, Sở TN-MT đã xác định rõ từng nhiệm vụ, công việc cụ thể và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện.

Bên cạnh đó, Sở TN-MT đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh chủ động dự thảo trước Phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất theo kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi UBND cấp huyện phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất và UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án đối với từng khu đất, Sở TN-MT sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án đấu giá ngay và chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện các thủ tục, để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định.

Đẩy nhanh quy hoạch chi tiết 1/500 tại các địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện đề án, huy động nguồn thu từ đấu giá quỹ đất của các huyện, thị xã, thành phố, nhất là 4 huyện phía Bắc của tỉnh. Hoàn thành các phương án trên sẽ là cơ sở để triển khai đề án theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, nhằm khai thác, sử dụng đất một cách khoa học, hợp lý, phát huy giá trị đất trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách của tỉnh.

Đường Vành đai 3 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương.

Đường Vành đai 3 đoạn đi qua tỉnh Bình Dương.

Theo ông Minh, Bình Dương đang đầu tư xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông như đường Vành đai 3, Vành đai 4, TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh. Phần lớn các dự án này được đầu tư bằng vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Vì vậy, việc đấu giá quỹ đất công dọc các tuyến đường giao thông sẽ giúp địa phương có thêm vốn để đầu tư trở lại cho hạ tầng.

Theo ông Ngô Quang Sự, để đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp cùng với các sở, ngành và UBND cấp huyện thực hiện, để triển khai công tác đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030. Dù công tác đấu giá quyền sử dụng đất được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, UBND cấp huyện, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những thuận lợi, cũng gặp một số khó khăn nhất định.

Ông Sự nêu rõ cụ thể hàng loạt khó khăn như: sự đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất còn chậm. Dẫn đến tại thời điểm hiện nay, chưa tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất của các khu đất được nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ, kế hoạch nguồn thu nộp vào ngân sách của tỉnh năm 2024.

Theo Sở TN-MT, sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án khai thác quỹ đất, tạo nguồn thu từ đất phục ​vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2024 – 2025 và định hướng đến năm 2030, Sở TN-MT sẽ tiến hành tham mưu UBND tỉnh thực hiện các giải pháp chính để điều hành chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác này.

Cụ thể, kiến nghị UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để chỉ đạo thực hiện đề án khai thác quỹ đất; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện theo đúng quy định và kế hoạch đã đề ra. Trong đó, Sở TN-MT sẽ đứng ra làm cơ quan đầu mối nắm bắt các khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh.

Để đẩy nhanh các bước chuẩn bị, đảm bảo tiến độ triển khai đấu giá quyền sử dụng đất năm 2024 tạo nguồn thu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở TN-MT đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố sớm hoàn chỉnh công tác lập (điều chỉnh), thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 các khu đất được giao.

Theo ông Ngô Quang Sự, từng khâu, từng việc trong công tác đấu giá cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và UBND huyện, thành phố nơi có đất, do đó Sở TN-MT là đầu mối, cùng với tất cả các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng thời hạn.

Trong đó, Sở TN-MT phối hợp Sở Xây dựng và UBND cấp huyện lập hồ sơ đề xuất Chủ trương đầu tư đối với các khu đất được giao, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án.

Sở Tài chính, Sở TN-MT, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có phương án sử dụng đất, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án; thực hiện các thủ tục theo quy định và tổ chức cuộc đấu giá.

Có 5 nguồn để tạo quỹ đất

Đề án thiết lập tạo quỹ đất của tỉnh Bình Dương được huy động từ 5 nguồn quỹ đất gồm: đất thu hồi giao tổ chức phát triển quỹ đất quản lý; đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đất công do địa phương quản lý; đất doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa, quản lý sắp xếp lại thu hồi; đất có nguồn gốc cá nhân, tổ chức đang sử dụng dự kiến thu hồi theo quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistic....

Trong tổng quỹ đất gồm 117 khu, tỉnh Bình Dương dự kiến thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công đối với 42 khu đất, có tổng diện tích 442,3 ha. Riêng trong năm 2024, Bình Dương dự kiến thực hiện đấu giá 11 khu đất với tổng diện tích 12,3 ha; năm 2025, sẽ đưa vào đấu giá 20 khu đất với tổng diện tích 377,8 ha. Giai đoạn năm 2026 - 2030, địa phương thực hiện đấu giá 11 khu đất với tổng diện tích 52,2 ha.

Ngoài ra, Bình Dương dự kiến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 75 khu đất là 75 khu đô thị mới (kết hợp các điểm TOD) và khu vực phát triển đô thị với tổng diện tích 21.760 ha. Trong đó, UBND cấp huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thủ tục và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cho 4 khu với tổng diện tích 1.764,5 ha trong năm 2024; 18 khu với tổng diện tích 2.702,8 ha trong năm 2025 và 53 khu tổng diện tích 17.292,5 ha trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đọc thêm