Có vợ vẫn được xác nhận độc thân
Có vợ và một con gái ở quê song do “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nên anh Nguyễn Hữu B. (Vĩnh Phúc) đã bỏ quê xuống Hà Nội làm ăn. Tại đây, anh B. gặp và có tình cảm với một người phụ nữ khác. Hai người có ý định tiến tới hôn nhân nên anh B. đã về quê làm thủ tục ly hôn với người vợ cũ. UBND cấp xã nơi anh B. có hộ khẩu thường trú đã xác nhận anh B. đã ly hôn với vợ cũ. Trên cơ sở các giấy tờ này, UBND phường D., TP.Hà Nội đã cấp giấy đăng ký kết hôn cho anh Nguyễn Hữu B. và người vợ mới.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người vợ cũ của anh B. phát đơn kiện anh B. đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng và yêu cầu TAND quận tuyên hủy đăng ký kết hôn giữa anh B. và người vợ mới. Người vợ cũ của anh B. đã xuất trình bản án ly hôn sơ thẩm (chưa có hiệu lực vì chị này đang kháng cáo).
Đối chiếu các giấy tờ này cho thấy, thời điểm bản án chưa có hiệu lực cũng là thời điểm UBND phường D., TP.Hà Nội cấp giấy kết hôn cho anh B. và vợ mới. Như vậy, trong thời gian chờ Tòa án cấp tỉnh xét xử theo trình tự phúc thẩm, giữa anh B. và người vợ cũ vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân.
Sau khi có quyết định của TAND tỉnh nơi anh B đăng ký kết hôn với người vợ cũ, TAND quận nơi anh B. đăng ký kết hôn với người vợ mới đã tuyên hủy đăng ký kết hôn trái luật giữa anh B. và người vợ này. Như vậy, trong trường hợp nói trên, anh B. đang có vợ nhưng UBND cấp xã vẫn cấp giấy xác nhận đã ly hôn cho anh B. để anh này kết hôn với người khác là trái pháp luật.
Không ít những vụ việc tương tự như trường hợp của anh B. nói trên. Có những vụ việc đương sự đã làm giả chữ ký của trưởng bản, từ đó được UBND xã chứng nhận độc thân trong khi đã có chồng/con hợp pháp; hay trường hợp xin được xác nhận độc thân để chuyển nhượng trái phép tài sản chung vợ chồng…
Nguyên nhân của tình trạng này được chỉ ra là do sự tắc trách của chính quyền cơ sở. Nhiều cán bộ vì trình độ nhận thức có hạn nên không xác định được công dân của mình đã ly hôn hay chưa, án có hiệu lực chưa, nhiều nơi do quá tin tưởng hồ sơ do công dân xuất trình, thậm chí nhiều trường hợp vì quan hệ làng, xã nên nể nang mà cấp giấy chứng nhận độc thân trong khi không biết rõ công dân đó có tồn tại quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không?
Hậu quả của những giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp bừa này rất vô chừng: đơn giản là bị hủy giấy kết hôn, không công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp; phức tạp hơn là quyền lợi của những đứa trẻ sinh ra từ những cuộc “hôn nhân hờ” đó không được đảm bảo, ít nhất là quyền được khai sinh, quyền thừa kế… bởi thay vì có cha hợp pháp khi giấy kết hôn bị hủy chúng lại phải làm thủ tục nhận cha cho con. Trong nhiều quan hệ dân sự khác, việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người đang có vợ/chồng hợp pháp là sự tiếp tay cho các hành vi lừa đảo, tẩu tán tài sản…
Cho cam đoan: Cách nào kiểm soát sự gian dối?
Trước khi có Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch, khó khăn nhất trong việc cấp giấy xác nhận hôn nhân chính là với những người từng phải qua nhiều nơi cư trú khác nhau. Theo quy định cũ, họ phải đến tất cả những nơi đã cư trú để xin xác nhận. Yêu cầu này với nhiều công dân là không thể thực hiện vì nhiều người do cuộc sống, học tập, công tác phải thay đổi chỗ ở liên tục, thậm chí còn ở cả nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều UBND cấp xã, phường cũng từ chối xác nhận khi họ không nắm được tình trạng nhân thân của công dân mình khi họ chưa đăng ký tạm trú hoặc không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Tuy nhiên, tình trạng này đã được khắc phục khi Thông tư số 01/2008/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/CP được ban hành.
Thông tư này quy định: Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương và chịu trách nhiệm về việc cam đoan.
Quy định này theo các nhà làm luật đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có yêu cầu, tuy nhiên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc lợi dụng quy định này để trục lợi mà cán bộ cấp cơ sở không thể kiểm soát. Nhiều trường hợp phải mất thời gian rất lâu mới bị phát hiện, thì khi đó mọi việc đã “lỡ”, giải quyết hậu quả pháp lý là rất khó khăn. Trong khi việc xử lý người cam kết không đúng hiện vẫn còn như “cánh cửa bỏ ngỏ”.