5h hôm nay, 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 9, Cù Lao Tràm (Đà Nẵng) cấp 8; Tp.Đà Nẵng, Tp.Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.
Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km.
Đến 4h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Trong khoảng 24 - 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Đến 16h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.
Trong khoảng 36 - 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 12/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.
Trong khoảng 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ trưa chiều nay có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Quảng Nam đến Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm ngày 10/11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 – 12.
Ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Quảng Trị - Quảng Bình cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5 – 3,5 m.
Khu vực ven biển từ Hà Tĩnh – Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 4,0 – 5,0 m. Sóng biển 3 – 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m.
Thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến 6h ngày 10/11, Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.969 phương tiện/389.253 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Trong đó, ở khu vực Bắc biển Đông có 5 tàu/52 lao động đã ra khỏi khu vực nguy hiểm. Khu vực giữa Biển Đông có 115 tàu/ 1.539 lao động đã neo đậu an toàn tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Khu vực từ Thái Bình đến Bình Định có 40.552 tàu/172.412 lao động, đã có 74 tàu/255 lao động đang trên đường di chuyển vào bờ.
13 tỉnh, thành phố từ Thái Bình đến Phú Yên đã lên kế hoạch sơ tán, di dời gần 859.000 người. Tính đến 5h ngày 10/11, các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên đã thực hiện sơ tán, di dời 602.838 người. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Bình dự kiến sáng 10/11 mới tổ chức di dời; các tỉnh, TP Nam Định, Hải Phòng họp Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh trong sáng 10/11 và quyết định phương án di dời dân.
Dân trí đưa tin, mặc dù bão Haiyan chưa đổ bộ vào nhưng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi đã có 3 người tử vong và nhiều người khác bị thương.
Thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 9/11, khi ông Nguyễn Hoa (57 tuổi, trú phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ) trèo lên tỉa cành cây phòng chống bão đã bị ngã dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, lãnh đạo huyện Đại Lộc cho biết, chiều ngày 9/11, khi ông Nguyễn Văn Hiền (trú thôn Mỹ An, xã Đại Quang) leo lên mái nhà chằng chống đã bị rơi xuống đất tử vong.
Ngoài ra, trên địa bàn Quảng Nam có nhiều trường hợp khác bị thương do quá trình chằng chống nhà cửa phòng bão Haiyan. Số người bị thương do chống bão hiện vẫn đang được thống kê.
Tại Quảng Ngãi, vào chiều ngày 9/11, trong lúc chặt cây phòng tránh bão số 14, hai người dân bị trượt chân ngã xuống đất. Hậu quả 1 người chết và 1 người bị thương nặng.
Trong đó, ông Phùng Thanh Liêm (SN 1963, ngụ ở KCD 24, thôn Thạch Trụ Đồng, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức) bị trượt chân ngã xuống đất, gãy đốt sống cổ và tử vong tại chỗ vào lúc 15h00. Khoảng 17h00 cùng ngày, ông Phạm Thanh Trung (SN 1963, ngụ KDC số 4, thôn Lâm Hạ, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức) đang chặt cây thì trượt chân rơi xuống đất, gây gãy xương sống và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mộ Đức.