Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô để kích cầu tiêu dùng

(PLVN) - Bộ Công Thương đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến các ngành công nghiệp trọng điểm.

Trong đó, Bộ Công thương đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị để hỗ trợ ngành ô tô. Đáng chú ý, Bộ đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho người mua ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2020 để kích cầu tiêu dùng.

Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm tùy theo từng loại xe và từng địa phương khi đăng ký.

Ở thời điểm hiện tại, tùy từng địa phương khách hàng mua ô tô du lịch dưới 9 chỗ phải đóng từ 10 - 12% phí trước bạ theo giá niêm yết, để hoàn tất thủ tục để xe lăn bánh. Đối với xe bán tải, xe van… phí trước bạ bằng 60% mức thu phí lần đầu với xe con.
Vì vậy, để xuất của Bộ Công Thương về việc giảm 50% phí trước bạ, nếu được thông qua sẽ góp phần giảm đáng kể số tiền khách hàng bỏ ra để mua ô tô, qua đó có thể kích cầu tiêu dùng đối với mặt hàng này.

Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam phải tạm dừng hoạt động

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp và VAT với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đến hết Quý I/2021.

Đề nghị này xuất phát từ việc loạt nhà máy sản xuất ô tô của các liên doanh như: Honda, Toyota, Ford, Nissan hay các doanh nghiệp nội địa như VinFast, Tập đoàn Thành Công tạm dừng hoạt động tới 15/4 hoặc đến khi "dịch Covid-19 được kiềm chế".

Cơ quan này cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các nhà băng giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, trong đó có ô tô với mức giảm 30% so với lãi hiện nay trong 12-24 tháng; cơ cấu lại nợ 18-24 tháng nếu dịch Covid-19 còn kéo dài.

Mặt khác, ảnh hưởng bởi Covid-19 đã khiến hàng tồn kho của các doanh nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất. Vì thế, hồ sơ chứng minh bị ảnh hưởng, nguồn trả nợ, điều kiện cơ cấu lại nợ... của các nhà băng cũng cần đơn giản hơn để doanh nghiệp dễ đáp ứng.

Đọc thêm