Thông tin với báo chí chiều 12/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, điểm được nhất của chính sách điều hành giá xăng dầu thời gian qua là đảm bảo công khai minh bạch và điều hành bám sát thị trường, giá mua đắt sẽ bán đắt, mua rẻ bán rẻ.
"Nếu như trước đây thường bị phản ánh là điều chỉnh vào 'giờ hiểm' thì giờ cứ đúng 15h sau 15 ngày sẽ công bố điều chỉnh một lần. Công thức tính toán thì cũng có sẵn rồi", Thứ trưởng nói.
|
Trong tương lai, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh hàng ngày, thay vì theo chu kỳ như hiện nay. |
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc việc doanh nghiệp trong nước và khâu hậu kiểm của cơ quan chức năng có đảm bảo để vận hành như vậy được hay không.
Mới đây lý giải vì sao giá dầu giảm 40% nhưng giá xăng trong nước chỉ giảm 12%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, giá dầu thô và giá xăng bán lẻ là hai khái niệm có quan hệ với nhau nhưng không đồng nhất với nhau về tỷ lệ giá. Do bên cạnh giá dầu thô, giá xăng còn phụ thuộc vào chế biến, lưu thông, dự trữ và thuế liên quan.
Tính toán được Bộ trưởng Dũng đưa ra cho thấy, chi phí dầu thô chỉ chiếm 40% trong giá bán lẻ xăng và 50% trong giá bán lẻ dầu.
Đồng thời, những chi phí sản xuất, lưu thông cũng được Bộ trưởng Tài chính cho biết là những chi phí tương đối cố định và thậm chí trong điều kiện hiện nay còn tăng lên.
Thực tế, trong cơ cấu giá xăng, dầu hiện nay, các khoản thuế phí đang chiếm tới 50%, điều này lý giải vì sao giá xăng, dầu dù đã được chỉnh theo diễn biến của giá thế giới nhưng mức giảm có thể sâu hơn nữa nếu không phải "gánh" quá nhiều các khoản thuế, phí phải kể đến như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng...
Tuy nhiên, giá bán lẻ xăng có thể có mức giảm sâu hơn 12% khi lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xăng dầu trong ASEAN có hiệu lực nhưng từ ngày 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lại tăng đến 300% từ 1.000 đồng/lít lên mức 3.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính từng khẳng định, việc tăng thuế môi trường lên 300% sẽ không làm tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước mà sẽ bù đắp một phần ngân sách bị thâm hụt và đảm bảo theo đúng các cam kết quốc tế./.