Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì vụ nữ sinh lớp 8 bị quây đánh?

(PLVN) -Bộ đã đề nghị Sở vào cuộc đề nghị Công an  làm rõ nguyên nhân vụ việc, hành vi đánh nhau của học sinh, thái độ không can ngăn và hành vi quay clip, phát tán lên mạng xã hội của một số học sinh liên quan- ông  Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên cho biết
Sự việc nhiều nữ sinh lớp 8 quây đánh nữ sinh lớp 9 trường THCS Lê Quý Đôn gây xôn xao dư luận những ngày vừa qua.

Trước đó, ngày 21/10/2019, nhiều báo đăng tin, do có xích mích, một số học sinh lớp 8 của của trường THCS Lê Quý Đôn (thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã quây đánh nữ sinh lớp 9A2 cùng trường ở khu vực sân Trung tâm hội nghị thị xã Bến Cát.

Sau khi nhận được thông tin, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đây là hành vi bạo lực cần được lên án mạnh mẽ, đã gây rối trật tự nơi công cộng và đã làm xấu đi hình ảnh đẹp đẽ của học sinh nói riêng, thế hệ trẻ nói chung và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên.

Cũng theo thông tin từ ông Bùi Văn Linh, Bộ đã đề nghị Sở GD&ĐT Bình Dương chỉ đạo Phòng GD&ĐT phòng GD&ĐT Thị xã Bến Cát chỉ đạo Hiệu trưởng THCS Lê Quý Đôn báo cáo; kiểm tra, xác minh sự việc và báo cáo về Bộ trước ngày 25/10/2019.

Đồng thời, Sở GD&ĐT cũng cần phối hợp chính quyền, lực lượng công an Thị xã Bến Cát để làm rõ nguyên nhân vụ việc, hành vi đánh nhau của học sinh, thái độ không can ngăn và hành vi quay clip, phát tán lên mạng xã hội của một số học sinh liên quan, theo qui định về Tội gây rối trật tự công cộng, Luật An ninh mạng, Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Quy định Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên…

"Trên cơ sở hồ sơ của cơ quan Công an, Sở GD&ĐT Bình Dương chỉ đạo nhà trường tiến hành các bước xem xét, áp dụng hình thức kỷ luật các học sinh theo quy định của pháp luật liên quan, của Ngành, của địa phương và cơ sở giáo dục" - ông Linh nhấn mạnh. 

Đồng thời, Bộ đã đề nghị Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật Hình sự, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ về quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường hiệu quả; Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT ngày 12/4/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục; Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT ngày 20/02/2017 của Bộ trưởng GDĐT về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục; Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT ban hành Chương trình hành động Phòng, chống BLHĐ trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021; Kế hoạch số 588/KH-BGDĐT ngày 10/7/2019 Kế hoạch phòng chống BLHĐ năm 2019; xây dựng, ban hành và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong các trường học; tăng cường hiệu quả các hoạt động giáo dục toàn diện, kỹ năng sống, giá trị sống, tư vấn học đường, công tác xã hội, các hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; nâng cao trách nhiệm của Giáo viên Tổng phụ trách, Giáo viên chủ nhiệm, Giáo viên các bộ môn và Hiệu trưởng… trong việc chủ động nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc của học sinh và kịp thời phối hợp với Gia đình để tháo gỡ, xử lý… nhằm bảo đảm an ninh, an toàn trường học và danh dự, sức khỏe, tinh thần tốt nhất cho học sinh của tỉnh…

"Trước mắt, nhà trường cần làm tư tưởng học sinh bị bạn đánh để ổn định tâm lý, học tập tốt; tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm cho học sinh toàn trường THCS Lê Quý Đôn, các trường học khác tại buổi sinh hoạt dưới cờ vào ngày 28/10/2019" - ông Linh cho biết. 

Đọc thêm