Bộ, ngành Tư pháp: Lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

(PLVN) -Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long kết thúc những ngày cuối cùng của năm 2022 bằng chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam. Trong bộn bề công việc, người đứng đầu ngành Tư pháp vẫn luôn dành thời gian cho cơ sở, hướng về cơ sở như chủ trương bao năm qua Bộ, ngành Tư pháp vẫn làm để góp phần cùng cả nước phục hồi và phát triển kinh tế.

Khẳng định vai trò trong tham mưu xây dựng thể chế

Những chuyến đi cơ sở luôn mang lại cho Bộ trưởng những cảm xúc thật đặc biệt. Được trực tiếp lắng nghe, chia sẻ để thấu hiểu cặn kẽ, sâu sắc hơn bức tranh sinh động của ngành Tư pháp từ thực tiễn cuộc sống. “Có rất nhiều mô hình hay, cách làm mới từ các địa phương cần được biểu dương, nhân rộng nhưng cũng có những vấn đề cần phải được căn chỉnh, đặc biệt là việc tháo gỡ những nút thắt về thể chế, một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Năm vừa qua, Bộ trưởng cho rằng trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn không ít khó khăn; nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng nặng nề với những yêu cầu, đòi hỏi cao hơn về chất lượng và tiến độ thì Tư pháp địa phương vẫn tiếp tục khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng của mình trong hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó, đã thực hiện tốt vai trò “người gác cổng” về các vấn đề pháp lý; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong phản ứng chính sách, cung cấp ý kiến pháp lý ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình điều hành, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. “Đây là đóng góp tích cực, rất đáng ghi nhận của Tư pháp địa phương ”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Thành Long trao Cờ Thi đua Ngành Tư pháp cho các tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc

Năm 2022, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục có nhiều đổi mới; đã chủ động tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, đề xuất và triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất nhiều định hướng chính sách quan trọng trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ, chính xác chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Công tác thẩm định bảo đảm chất lượng, tiến độ, theo đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật. Các báo cáo thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục được các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật đánh giá cao, coi là kênh ý kiến quan trọng để quyết định việc ban hành văn bản. Vì thế, Chỉ số Cải thiện chất lượng các quy định pháp luật của Việt Nam trong bộ Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) năm 2022 đã tăng 10 bậc (từ vị trí thứ 93 lên vị trí thứ 83) - đây là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam tăng hạng. Công tác kiểm tra văn bản tiếp tục vào cuộc kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm; đã rà soát số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực, phát hiện các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn để kiến nghị xử lý kịp thời....

Bộ trưởng Lê Thành Long dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2023 của Trà Vinh

Hai điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng thể chế của Bộ, ngành Tư pháp năm 2022 được Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đó là Bộ đã tích cực, chủ động tham gia quá trình xây dựng Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Từ khâu kiên trì đề xuất nội dung trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Chương trình toàn khóa của Trung ương tới suốt quá trình xây dựng Nghị quyết, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ đã tập trung huy động trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài Bộ hoàn thành tốt các chuyên đề được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hoặc các cơ quan có thẩm quyền giao, trực tiếp góp ý hoặc tham mưu với Ban cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm. Có thể nói, nhiều đề xuất tâm huyết của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã được các cơ quan có thẩm quyền và Trung ương tiếp thu đưa vào Nghị quyết, nhất là các nội dung về mục tiêu, quan điểm, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng các nội dung về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. “Nghị quyết đã xác định mục tiêu và đề ra nhiều nhiệm vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến Bộ, Ngành Tư pháp, đồng thời mở ra cho Bộ, ngành Tư pháp những dư địa mới để đóng góp thực chất hơn nữa trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, Bộ Tư pháp đã cùng Bộ, ngành liên quan tham gia trực tiếp, chủ động, trách nhiệm vào việc hoàn thiện các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành theo đúng tinh thần tại các Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, phần lớn các Nghị định quy định chức năng của các Bộ, ngành đã được ban hành, tạo cơ sở cho các Bộ, ngành kiện toàn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Lê Thành Long trong chuyến thăm và làm việc tại Hòa Bình tháng 3.2022

Cũng trong năm, rất nhiều Đề án lớn, quan trọng được Bộ Tư pháp tham mưu ban hành, có thể kể đến là các Đề án về phổ biến giáo dục pháp luật, tăng cường truyền thông chính sách; Đề án "Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp" và Đề án tổng thể “Tiếp tục xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Các Đề án được ban hành một lần nữa cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông chính sách, đào tạo nguồn nhân lực pháp luật, nhất là nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Kiểm đếm lại sau một năm công tác, Bộ, ngành Tư pháp đã hoàn thành 137 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không để nhiệm vụ quá hạn. Các nhiệm vụ đột xuất được giao thêm cũng đảm bảo về tiến độ, chất lượng. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả từ các Bộ, ngành địa phương, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực thực hiện tốt với tinh thần trách nhiệm cao phương châm của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”. Bộ, ngành Tư pháp đã cùng cả hệ thống chính trị kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” về pháp luật, khơi thông mọi nguồn lực, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Lấy người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Năm 2022 đi qua, những dấu ấn để lại của ngành Tư pháp đậm nét trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, Bộ, ngành Tư pháp đã triển khai đồng bộ công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến và tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp. Trong công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào tháng 5/2022, Bộ Tư pháp được đánh giá đứng đầu Chỉ số Cải cách hành chính cấp Bộ năm 2021.

Toàn ngành đã tiếp tục hoàn thiện Cơ sở dữ liệu hộ tịch với gần 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; Việc triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước, là nguồn thông tin đầu vào cho các quyết định, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Đến nay, đã có hơn 40 địa phương thực hiện kết nối Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung với Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố để thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh - cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp, hỗ trợ với các bộ, ngành trong việc hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; bảo đảm liên thông giữa các cơ sở dữ liệu.

Cũng hướng về người dân - đối tượng thụ hưởng, các hoạt động như phổ biến giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm…đã có những cải cách mang tính đột phá. Nhiều thủ tục đã được thực hiện trên môi trường điện tử tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức cho người dân, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức diễn đàn Kinh doanh và pháp luật với sự hưởng ứng và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước, phúc đáp kịp thời nhu cầu giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi vừa trải qua đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Diễn đàn đã góp phần nhận diện rõ hơn về tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời, xác định rõ hơn vai trò của doanh nghiệp trong tham gia xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. Có thể thấy Diễn đàn là nơi cả cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp cùng “lắng nghe tiếng nói” của nhau, cùng làm rõ những vướng mắc, những rào cản về mặt pháp lý, nguyên nhân và các giải pháp khơi thông nguồn lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng Lê Thành Long cảm thấy phấn khởi khi năm 2022, kết quả thi hành án về việc và tiền đạt cao nhất trong 5 năm gần đây, vượt các chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó toàn hệ thống THADS đã nỗ lực rất lớn trong công tác thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng, số tiền thu được trong năm 2022 tăng gần 12 ngàn tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2021. “Con số này là phần lượng hoá được, các tổ chức, cá nhân khi nhận về nguồn lực của mình đưa vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Còn sâu xa hơn, đó là đảm bảo sự bình yên, công bằng, bảo đảm cho các bản án được thi hành nghiêm minh”, Bộ trưởng Lê Thành Long tâm sự.

Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn đặt lên vai ngành Tư pháp những yêu cầu và thách thức lớn đặt ra. Đó là việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tình trạng “nợ đọng” văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các luật, nghị quyết ; Nguồn lực cho một số lĩnh vực còn chưa tương xứng; một số lĩnh vực liên quan đến người dân vẫn còn để xảy ra sai sót, chưa đảm bảo tiến độ, chất lượng; Vi phạm trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng tinh vi, phức tạp; Tình trạng án chuyển kỳ sau, phân loại án nơi này nơi khác còn thiếu chính xác trong công tác THADS… Bộ trưởng cho rằng những vấn đề này cần phải làm rõ nguyên nhân, trong đó những gì thuộc nguyên nhân chủ quan phải khắc phục triệt để.

Dành nguồn lực, thực hiện tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW

Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương đối với toàn ngành Tư pháp, Bộ trưởng cho biết, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu phải tập trung thực hiện trong năm 2023. Theo đó, Bộ, ngành cần chủ động, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan tới công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; dành nguồn lực thỏa đáng về nhân lực cũng như bảo đảm về tài chính để triển khai có hiệu quả Nghị quyết nói trên.

Riêng với công tác THADS, Nghị quyết 27/NQ- TW chỉ rõ “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án”. “Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính”. Đây là những nhiệm vụ trọng tâm mà Hệ thống THADS cần tập trung trong thời gian tới, do đó, Bộ trưởng mong muốn các cơ quan THADS từ Tổng cục đến Chi cục phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tiếp tục có những giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững trên các mặt công tác để làm tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, cùng chuyển mình mạnh mẽ với quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp. Cùng đó là tăng cường quản lý, quản trị công việc, khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động THADS; thực hiện tốt phương châm “hướng về cơ sở”, sâu sát đến từng đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thi hành án.

Năm 2023, năm tăng tốc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025, nhận diện đúng thời cơ và thách thức, bối cảnh trong nước và quốc tế, Bộ, ngành Tư pháp xác định thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm bằng giải pháp cụ thể.

Đó là, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế theo các chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác tư pháp, nhất là các nhiệm vụ đã được xác định cụ thể tại Nghị quyết số 27-NQ/TW; thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành Tư pháp theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao hiệu quả phòng ngừa và tiếp tục phát huy vai trò Cơ quan đại diện pháp lý của Chính phủ trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện trong hoạt động đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục ưu tiên, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đăng ký biện pháp bảo đảm… Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân. Nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật. Đẩy mạnh truyền thông đối với việc khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Chú trọng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 98/2022/NĐ-CP, chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan tư pháp, pháp chế, thi hành án dân sự các cấp bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tư pháp cơ sở và nguồn cán bộ chuyên gia trong các lĩnh vực quản lý của Ngành; thực hiện hiệu quả hai Đề án lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong lĩnh vực đào tạo.

Một năm khép lại với nhiều thành công, gửi lời cám ơn chân thành đến các cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong toàn Ngành trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng, nỗ lực không ngừng, Bộ trưởng tin tưởng một năm mới toàn ngành sẽ nỗ lực hơn nữa để cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đọc thêm