Bỏ nghĩa vụ xác minh điều kiện cho người được thi hành án

(PLO) - Người được thi hành án dân sự (THADS) sẽ không phải xác minh điều kiện thi hành án; miễn giảm nhiều trường hợp phải nộp tiền THS vào ngân sách Nhà nước.
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Hình chỉ mang tính minh họa (internet)
Chiều nay (9/6) thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình QH dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án Dân sự (THADS). 
Theo tờ trình, một trong những vấn đề lớn được sửa đổi bổ sung là Quyền, nghĩa vụ của đương sự trong THADS. Dự thảo Luật bổ sung các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan theo hướng tăng cường sự chủ động, nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình tổ chức thi hành án. 
Mặt khác, để phù hợp hơn với thực tiễn, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng  chuyển việc xác minh điều kiện thi hành án từ nghĩa vụ của người được thi hành án thành trách nhiệm của Chấp hành viên nhằm giảm bớt khó khăn cho người được thi hành án, đồng thời quy định người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.  Người được thi hành án cũng có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và được miễn, giảm phí thi hành án nếu cung cấp thông tin chính xác.
Theo dự thảo Luật, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay. 
Đối với việc thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án mà người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 6 tháng một lần, Chấp hành viên phải thực hiện xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án mà còn phải chấp hành hình phạt tù từ năm năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới thì thời hạn xác minh giữa các lần không được quá hai năm, trừ trường hợp vụ việc được lập sổ theo dõi riêng (khoản 10 Điều 1). 
Nhằm khắc phục tình trạng lượng án tồn đọng rất lớn, nhất là những việc mà các cơ quan THADS đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành trong nhiều năm nhưng không có kết quả, dẫn đến tốn kém công sức, kinh phí từ ngân sách nhà nước, dự thảo Luật bổ sung các trường hợp được xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án như: các trường hợp bị thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn mà người phải thi hành án không còn tài sản; không xác định được địa chỉ, nơi sinh sống và tài sản của người phải thi hành án. 
Đồng thời, dự thảo Luật quy định những trường hợp người phải thi hành án có thể được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước, theo từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, việc miễn khoản án phí và các khoản thu cho ngân sách nhà nước cũng được áp dụng đối với các trường hợp không còn bị coi là tội phạm theo quy định tại điểm c mục 3 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự và điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (khoản 3 Điều 2).

Đọc thêm