Những con số biết nói của Thi hành án Dân sự

(PLO) - Hôm qua 22/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự (THADS) 6 tháng đầu năm 2014.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng
Bên cạnh việc biểu dương những kết quả mà các cơ quan THADS đạt được trong 6 tháng qua đã được đại diện một số Bộ, ngành ghi nhận, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong THADS, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của ngành.
Giải quyết xong tăng  2,34% về việc và 0,61% về tiền
Theo Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), toàn ngành đã thụ lý tổng số hơn 513,7 nghìn việc và gần 73,6 nghìn tỷ đồng. Trong số việc và số tiền có điều kiện giải quyết, đã giải quyết xong 204.640 việc và gần 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng tương ứng 2,34 và 0,61% so với cùng kỳ năm 2013. Ngành THADS cũng đã xét miễn, giảm thi hành án (THA) 852 trường hợp với số tiền trên 5,47 tỷ đồng… 
Theo như đánh giá của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng, đây là những con số “biết nói”, nói lên nỗ lực, quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu năm của lãnh đạo Bộ Tư pháp và hệ thống cơ quan THADS từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Tổng cục THADS thừa nhận, công tác THADS 6 tháng qua còn nhiều tồn tại và chưa thật sự có sự đột phá. Mặc dù kết quả thi hành xong về việc, về tiền tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ tăng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ vẫn nhiều hạn chế, kể cả yếu kém, nhất là trong công tác quản lý cán bộ cấp dưới. Đau xót nữa là việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong toàn ngành chưa nghiêm, số lượng cán bộ, công chức vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. 
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng thẳng thắn cho biết, có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của ngành như một số vụ việc xảy ra ở Nghệ An, Đà Nẵng, Hòa Bình… Vụ trưởng Vụ 10 (VKSNDTC) Nguyễn Mạnh Hùng lại nêu, hiện có 3.043 việc chậm chuyển cho VKS, có một số vụ cưỡng chế sai, chưa làm tốt Quy chế phối hợp số 14… và đáng chú ý là vẫn còn hiện tượng chuyển ủy thác để “làm đẹp” số liệu báo cáo.
“Hợp tác chân thành, cạnh tranh lành mạnh”
Từ nay đến cuối năm, toàn ngành đặt mục tiêu hoàn thành và phấn đấu vượt chỉ tiêu được Quốc hội giao cho, thi hành xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền so với số có điều kiện thi hành, giảm tối thiểu 7-10% số việc chuyển sang năm 2015 so với số việc chưa thi hành xong của năm 2013 chuyển sang năm 2014. Ngoài ra, sẽ tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành, tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, cán bộ, nâng cao đạo đức công vụ với phương châm “5 xây, 3 chống”…
Rất chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng quan niệm, việc THA phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ phụ thuộc ý chí chủ quan của cơ quan, cán bộ THA. 
Nhận thấy ngành đã “bắt đúng bệnh” khi chỉ ra 9 dạng vi phạm được phát hiện trong hoạt động THADS, ông Hồng kiến nghị các cơ quan liên quan chỉ đạo quyết liệt hơn phần hồ sơ mà cụ thể là phải đánh bút lục hồ sơ để dễ kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, ông Hồng cũng mong ngành phải tiếp tục quán triệt chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết 36 của Quốc hội cho phép thí điểm chế định này tại 13 địa phương, trong đó hiện còn một tỉnh chưa triển khai.
Để đáp ứng nhiệm vụ chính trị của ngành, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chỉ đạo phải có biện pháp chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, gây phiền hà trong THADS; đồng thời chú trọng công tác tự kiểm tra, hạn chế đến mức thấp nhất việc THA bị cơ quan có thẩm quyền kháng nghị, kiến nghị; kiểm soát chặt chẽ số liệu thống kê THADS, bảo đảm kết quả THA thực chất và bền vững, kiên quyết chống bệnh thành tích; làm tốt hơn nữa công tác phối hợp liên ngành, nhất là trong việc tổ chức thi hành các vụ án khó, phức tạp và giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS… 
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng cam kết Bộ, ngành Tư pháp sẽ phối hợp tốt trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo tinh thần “hợp tác chân thành, cạnh tranh lành mạnh”./.

Đọc thêm