Việc “bổ nhiệm lại” các chức danh lãnh đạo hết sức thông dụng trong công tác cán bộ. Người giữ những cương vị lãnh đạo khi hết nhiệm kỳ thì được xem xét để bổ nhiệm lại. Song, không hề có khái niệm “bổ nhiệm đi”, nghĩa là việc bổ nhiệm chức vụ lần đầu tiên rồi sau đó được bổ nhiệm lại nhưng không ai gọi lần đầu được bổ nhiệm là “bổ nhiệm đi” cả.
Hiện tại, hiện tượng cán bộ lãnh đạo bị cách hết chức vụ rồi lại được bổ nhiệm chức vụ mới đã làm nảy sinh tình trạng “bổ nhiệm đi, bổ nhiệm lại”. Trường hợp này “ứng” với ông cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Sở Xây dựng.
Về các quy định của pháp luật, việc bổ nhiệm này chẳng có gì là sai trái và đúng quy trình. Tuy nhiên, đối với một người từng đã làm Giám đốc Sở này rồi thăng tiến lên một chức vụ cao hơn giờ trở về làm Chánh Văn phòng, cấp dưới của cái ông là cấp dưới mình ngày xưa thì cũng chẳng vinh dự gì. Có thể, việc bổ nhiệm này chủ yếu là nhằm giải quyết chế độ, chính sách và để người trong cuộc bớt “tâm tư” mà thôi. Tất nhiên, người được bổ nhiệm hẳn là đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ bởi trước đó, ông ta còn giữ những cương vị cao hơn nhiều.
Tương tự, chuyện “bổ nhiệm đi, bổ nhiệm lại” cũng là trường hợp của ông Tất Thành Cang, sau khi bị cách hết chức vụ thì từ Phó Bí thư Thường trực TP HCM ông trở thành Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình lịch sử của TP này. Có thể, sau 12 tháng không mắc khuyết điểm gì thêm, ông sẽ lại được bổ nhiệm một chức vụ mới cao hơn. Bởi, hiện tại, ông vẫn là Thành ủy viên, nếu không có một cương vị xứng tầm với danh vị này, ông sẽ hết sức “tâm tư”.
Trước nay, việc cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật rồi “hất” lên trên là chuyện khá phổ biến, không có gì sai với quy định, quy trình cả. Thế nhưng, trong con mắt người dân thì các vị này không còn uy tín gì nữa, nếu được khỏi ý kiến hẳn các cư dân dưới sự lãnh đạo của những người “đã nhúng chàm” thì họ chẳng bao giờ đồng ý.
Hơn nữa, các nhân viên dưới quyền trực tiếp của các vị “bổ nhiệm đi, bổ nhiệm lại” này cũng chẳng khâm phục và kính nể gì vị thủ trưởng của mình. Như thế, làm sao lãnh đạo và điều hành được?
Đó mới chính là lý do chủ yếu để không nên có tình trạng “bổ nhiệm đi, bổ nhiệm lại”!