Tại báo cáo này, Bộ NN&PTNT cho biết, Arsen có thể tồn tại dưới dạng vô cơ và hữu cơ. Arsen hữu cơ là kết quả của quá trình trao đổi chất tự nhiên, do đó có trong thực phẩm. Vì vậy, sản phẩm nước mắm lên men từ cá có Arsen hữu cơ không gây độc cho người, không cần đánh giá mức độ nguy hại và quy định tối đa trong thực phẩm. Trong khi đó, Arsen vô cơ gây độc, có quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm.
Bộ NN&PTNT cũng chính thức đưa ra những quy định về nước mắm và nước chấm. Theo đó, nước mắm là sản phẩm truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Phương pháp sản xuất truyền thống là quá trình lên men tự nhiên hỗn hợp bao gồm cá và muối.
Hiện nay theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành, hàm lượng arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (bao gồm cả nước mắm) được quy định là 1mg/kg.
Theo công bố ngày 22/10/2016 của Bộ Y tế, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (lấy ngẫu nhiên trên thị trường và một số siêu thị) được kiểm nghiệm không phát hiện arsen vô cơ. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả khảo sát của quốc tế được công bố nêu trên.
Về quy định về phụ gia trong sản xuất nước mắm, tiêu chuẩn quốc tế về nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đồng đề xuất Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX) ban hành quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm thuộc 6 nhóm. Bộ Y tế cũng ban hành thông tư quy định 400 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, trong đó quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm.