Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực với mong muốn tạo điều kiện cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tra cứu, tìm kiếm và áp dụng các quy định pháp luật một cách thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời, hiện Bộ Tư pháp đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Bộ pháp điển.
Người dân có thể tra cứu quy định pháp luật theo 45 chủ đề trong Bộ pháp điển
* Thưa ông, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật với rất nhiều luật, bộ luật, tại sao lại phải xây dựng Bộ pháp điển?
- Đúng như nhà báo đã nhận định, trong những năm qua, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều bộ luật, luật đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, về tổng thể, hệ thống văn bản pháp luật của nước ta hiện nay vẫn còn phức tạp, cồng kềnh, nhiều “tầng nấc”, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành lớn và một số lĩnh vực vẫn có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Thực tế áp dụng pháp luật cho thấy, trong nhiều lĩnh vực pháp luật, các quy định còn tản mát trong nhiều văn bản, dẫn đến khó khăn không nhỏ cho việc tìm kiếm, tra cứu, áp dụng. Mặt khác, trong điều kiện các quan hệ kinh tế - xã hội ở nước ta đang tiếp tục thay đổi mạnh mẽ, hệ thống pháp luật đang phát triển không ngừng cả về lượng và chất.
Trong điều kiện đó, việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam là hết sức cần thiết, góp phần tạo bước chuyển biến mới về chất, nhất là tính đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chính vì vậy, ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL), tạo cơ sở pháp lý cho công tác xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước. Cũng xin nói thêm, với lợi ích to lớn mà Bộ pháp điển có thể mang lại, nhiều nước trên thế giới đã và đang xây dựng Bộ pháp điển, không chỉ riêng Việt Nam chúng ta.
* Pháp điển được hiểu là gì, thưa ông?
- Quan niệm về pháp điển và cách thức thực hiện pháp điển hiện nay trên thế giới khá đa dạng. Tuy nhiên, có hai cách thức cơ bản là pháp điển về nội dung và pháp điển về hình thức. Pháp điển về nội dung được thực hiện theo cách xây dựng, ban hành văn bản QPPL mới trên cơ sở tập hợp, sắp xếp lại quy định trong các văn bản QPPL hiện hành, loại bỏ các quy định không phù hợp, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.
|
Một hội thảo định kỳ về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật |
Pháp điển về hình thức được thực hiện theo cách tập hợp, sắp xếp các QPPL trong các văn bản QPPL hiện hành theo một cấu trúc mới (thông thường là Bộ pháp điển), có thể thực hiện những căn chỉnh về kỹ thuật, cách thức diễn đạt nhưng không làm thay đổi nội dung và trật tự hiệu lực của các quy định; pháp điển về hình thức không tạo ra quy định pháp luật mới.
Việc xây dựng Bộ pháp điển ở Việt Nam hiện nay là hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo bước chuyển biến mới về chất, nhất là nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để mọi cá nhân, tổ chức tra cứu, áp dụng và thực hiện pháp luật. Qua đó góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Ở Việt Nam hiện nay, pháp điển được hiểu là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL đang còn hiệu lực trong các văn bản QPPL do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển. Bộ pháp điển được sử dụng để tra cứu trong áp dụng và thực hiện pháp luật.
Như vậy, hoạt động pháp điển ở Việt Nam hiện nay có thể được xem là pháp điển về hình thức, theo đó cơ quan có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp đầy đủ các QPPL vào Bộ pháp điển theo trật tự hợp lý; chưa đặt ra việc Bộ pháp điển thay thế hệ thống văn bản QPPL hiện hành. Bộ pháp điển đang xây dựng của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề, chứa đựng những QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực; mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục.
* Cổng thông tin điện tử pháp điển được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp những tiện ích và chức năng gì đối với người khai thác, sử dụng, thưa ông?
- Cổng thông tin điện tử pháp điển là một cổng thông tin điện tử độc lập, mục đích quan trọng và cơ bản nhất là đăng tải Bộ pháp điển, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động. Cổng thông tin điện tử pháp điển đã được Bộ Tư pháp hoàn thiện, chính thức đưa vào hoạt động.
Những chủ đề, đề mục của Bộ pháp điển sau khi được Chính phủ thông qua sẽ được đăng tải và duy trì, cập nhật thường xuyên, liên tục trên Cổng thông tin điện tử pháp điển và được sử dụng miễn phí. Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước được xây dựng và duy trì dưới hình thức là Bộ pháp điển điện tử.
Đây là một hình thức tiên tiến, tiết kiệm và rất phù hợp, bảo đảm tính linh hoạt của Bộ pháp điển trước những thay đổi thường xuyên của hệ thống pháp luật trong giai đoạn phát triển hiện nay. Hiện tại, Bộ pháp điển có 45 chủ đề, trong đó chứa đựng 265 đề mục. Người dân có thể tra cứu những quy định pháp luật mà mình quan tâm theo 45 chủ đề và 265 đề mục này.
Ví dụ Chủ đề số 33 chứa đựng các đề mục về thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, nhập khẩu... Qua đó, mọi cá nhân, tổ chức có thể tra cứu, tìm kiếm và áp dụng các quy định pháp luật một cách thuận lợi, dễ dàng.
* Hiện nay người dân, doanh nghiệp đã có thể tra cứu nội dung của Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển chưa, thưa ông?
- Thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện pháp điển và hoàn thành 20 đề mục. Bộ Tư pháp đã thẩm định đối với 20 đề mục này và đang chuẩn bị trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất. Sau khi được Chính phủ thông qua, các đề mục này sẽ được đăng tải tại Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.
Hiện nay, các đề mục này được đăng tải tạm thời tại mục “Kết quả pháp điển đã thẩm định” trên Cổng thông tin điện tử pháp điển để người dân, doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước có thể tham khảo, tra cứu trước.
|
Ông Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp). |
Quyết tâm xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng
* Thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xây dựng Bộ pháp điển như thế nào, thưa ông?
- Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL đã quy định cụ thể thẩm quyền của các bộ, ngành trong việc xây dựng Bộ pháp điển. Theo đó, các bộ, ngành có thẩm quyền pháp điển các QPPL thuộc lĩnh vực quản lý của mình, còn Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối có trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc cũng như kiểm tra các bộ, ngành trong quá trình thực hiện pháp điển - Cục Kiểm tra văn bản QPPL được Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao giúp triển khai thực hiện công tác này.
Đây là công việc mới, khó, chưa có nhiều kinh nghiệm, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Vừa qua, tại Hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Cục Kiểm tra văn bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã đánh giá rất cao những kết quả đạt được và tin tưởng với sự quyết tâm của Cục Kiểm tra văn bản QPPL cùng với các bộ, ngành thì Bộ pháp điển sẽ được bảo đảm chất lượng và có thể hoàn thành trước thời hạn - như Bộ trưởng nói là “về đích sớm”.
* Ông đánh giá như thế nào về tình hình triển khai và xây dựng Bộ pháp điển tại các Bộ, ngành?
- Sau gần 03 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã được Thủ trưởng các bộ, ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cho đến nay, về cơ bản, các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết cũng như văn bản chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đầy đủ, bảo đảm các điều kiện pháp lý cần thiết cho việc xây dựng Bộ pháp điển. Các bộ, ngành đã xác định rõ khối lượng công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan mình trong công cuộc chung xây dựng Bộ pháp điển.
Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc xây dựng Bộ pháp điển được thực hiện trong 10 năm (2014 - 2023), chia làm 03 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2014 - 2017) hoàn thành 8 chủ đề gồm 22 đề mục; giai đoạn 2 (2018 - 2020) hoàn thành 27 chủ đề gồm 144 đề mục và giai đoạn 3 (2021 - 2023) hoàn thành 10 chủ đề gồm 99 đề mục.
Tuy nhiên, với mong muốn khẩn trương đưa Bộ pháp điển vào khai thác, sử dụng, đáp ứng nhu cầu tra cứu, áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành (trước năm 2018) với 96/243 đề mục thuộc giai đoạn 2 và giai đoạn 3 (nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục), nhất là các đề mục có quy định liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, ngoài 20 đề mục đã được thẩm định và chuẩn bị trình Chính phủ thông qua như tôi đã đề cập, có 27 đề mục đang được triển khai thực hiện pháp điển và một số đề mục khác bước đầu được rà soát, xác định văn bản để pháp điển. Như vậy, công tác xây dựng Bộ pháp điển vẫn còn một chặng đường dài với khối lượng công việc rất lớn phía trước, nhưng với sự quyết tâm của các bộ, ngành, có cơ sở để tin tưởng Bộ pháp điển sẽ được hoàn thành trước thời hạn.
Trân trọng cảm ơn ông!