Bộ Pháp điển: Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật

(PLVN) -  Chiều 29/2, tại trụ sở Bộ Tư pháp đã diễn ra Hội nghị Tổng kết việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển. Dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.

Công tác pháp điển về đích sớm

Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định 1267/QĐ-TTg, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) cho biết, sau gần 09 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1267/QĐ-TTg, đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành pháp điển 263/271 đề mục, đạt tỷ lệ hơn 97% khối lượng Bộ pháp điển. Các đề mục còn lại đang được các bộ, ngành quyết tâm thực hiện và hoàn thành trong năm 2022. Về cơ bản, Bộ pháp điển đã “về đích sớm” hơn 01 năm so với thời hạn tại Quyết định số 1267/QĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Duy Thắng, Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tổ chức triển khai toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1267/QĐ-BTP ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, với nhiều chỉ đạo cụ thể như: phân công các đơn vị trực thuộc có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp điển; kịp thời bố trí nhân sự, kinh phí phù hợp cho đơn vị đầu mối cũng như đơn vị làm công tác pháp điển; xây dựng các văn bản chỉ đạo, quy định nội bộ nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai công tác này được thuận lợi, hiệu quả; thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản sử dụng để pháp điển ít, đơn giản, có tính ổn định và các đề mục có liên quan đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp... đã bảo đảm kết quả pháp điển đạt chất lượng, hiệu quả, vượt tiến độ.

Trải qua gần 10 năm làm công tác pháp điển, ông Nguyễn Duy Thắng nhấn mạnh Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm “sạch” được hơn 08 nghìn văn bản trên tổng số khoảng gần 09 nghìn văn bản QPPL của Trung ương, góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ, tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật đang còn hiệu lực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng chỉ ra công tác xây dựng Bộ pháp điển vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin còn nhiều điểm chưa hợp lý, gây khó khăn khi tra cứu, sử dụng. Ví dụ như một số chủ đề có phạm vi lĩnh vực điều chỉnh không đồng đều; một số đề mục được sắp xếp trong các chủ đề cũng chưa lôgic, thống nhất về phạm vi QPPL điều chỉnh… Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền Bộ Pháp điển còn hạn chế, hiện mới chỉ có 22 bộ ngành, địa phương tích hợp Bộ pháp điển trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị mình.

Từ những hạn chế trên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề ra 02 định hướng cơ bản trong thời gian tới đó là: tiếp tục nâng cao chất lượng Bộ pháp điển, bảo đảm Bộ pháp điển có “chất lượng tốt nhất” và phục vụ tối đa nhu cầu khai thác, tra cứu các quy định pháp luật hiện hành của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thông tin, tăng cường hiệu quả công tác truyền thông, tập huấn, giới thiệu Bộ pháp điển đến cộng đồng xã hội để khai thác, sử dụng thường xuyên Bộ pháp điển, phục vụ công việc hàng ngày.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông

Tại Hội nghị, ghi nhận những thành tích của các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực xây dựng Bộ pháp điển theo Quyết định số 1267/QĐ-TTg, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, công tác pháp điển là một công việc mới, khó, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của Bộ Tư pháp và các bộ, ngành trong suốt thời gian qua, công tác này đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Để triển khai hiệu quả công tác xây dựng Bộ pháp điển trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị các đồng chí thủ trưởng các bộ, ngành tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác pháp điển hệ thống QPPL. Tiếp tục triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao theo Đề án xây dựng Bộ pháp điển của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm nhân lực, cơ sở vật chất để tiếp tục thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL. Về vấn đề này, Thứ trưởng đề nghị các tổ chức pháp chế chủ động thông tin, phối hợp kịp thời với Cục Kiểm tra văn bản QPPL để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ bảo đảm Bộ pháp điển được xây dựng, cập nhật đúng tiến độ, kịp thời và chất lượng.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tiếp tục phát huy các cách làm mới, đa dạng, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để từng người dân biết đến sự tồn tại của Bộ pháp điển cũng như tính hữu ích, tiện lợi của Bộ pháp điển mang lại.

Bên cạnh đó, chú trọng nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển, tích hợp, kết nối Bộ pháp điển cùng với các trang văn bản QPPL chính thức khác của Nhà nước để vận hành thống nhất, hiệu quả một cơ sở dữ liệu chung về văn bản QPPL của Việt Nam.

“Cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ngành và sự chung tay của các đồng chí, Bộ pháp điển của Việt Nam sẽ ngày càng được hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phát huy tốt nhất vai trò, giá trị trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cán bộ có thành tích tốt trong thực hiện công tác Pháp điển.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho các cán bộ có thành tích tốt trong thực hiện công tác Pháp điển.

Đọc thêm