Bộ pháp điển Việt Nam giúp hạn chế tính chồng chéo của các văn bản

(PLVN) - Thông qua pháp điển, các nhà làm luật sẽ đưa ra được quy định phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, hạn chế được các trường hợp văn bản chồng chéo, mâu thuẫn… trong hệ thống pháp luật.
Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đó là chia sẻ của bà Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo với PLVN.

-Thưa Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà có thể chia sẻ với độc giả về quá trình triển khai thực hiện công tác pháp điển tại Bộ mình?

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục và Quyết định số 1267/QĐ-TTg ngày 29/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì thực hiện pháp điển 2 đề mục là đề mục Giáo dục và đề mục Giáo dục đại học.

Thực hiện trách nhiệm chủ trì pháp điển đề mục Giáo dục và đề mục Giáo dục đại học, Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao nhiệm vụ cho Vụ pháp chế làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ để thực hiện rà soát, thu thập đầy đủ các văn bản được xác định thuộc đề mục, thực hiện pháp điển bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo đúng quy định tại Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Hai đề mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã hoàn thành và được Chính phủ thông qua, đăng tải công khai trong Bộ pháp điển, cụ thể: Đề mục Giáo dục đại học được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 23/7/2019 và Đề mục Giáo dục được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 29/12/2021. Tuy số lượng đề mục thuộc trách nhiệm chủ trì thực hiện pháp điển của Bộ Giáo dục và Đào tạo khiêm tốn, chỉ với 2 đề mục, tuy nhiên, đây lại là những đề mục được đánh giá là phức tạp, với số lượng văn bản lớn của Bộ pháp điển.

Cụ thể, đề mục Giáo dục chứa đựng quy định trong 232 văn bản QPPL; đề mục Giáo dục đại học chứa đựng quy định trong 96 văn bản QPPL. Việc thực hiện pháp điển đối với 2 đề mục này có thể đánh giá là khá công phu.

Bên cạnh đó, ngoài việc chủ trì thực hiện pháp điển 2 đề mục thuộc trách nhiệm của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc thực hiện pháp điển các văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo được pháp điển tại các đề mục do các bộ, ngành khác chủ trì thực hiện, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Bộ pháp điển nói chung.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã lồng ghép tổ chức phổ biến, giới thiệu Bộ pháp điển tại nhiều các Hội nghị, Hội thảo của Bộ để các công chức thuộc Bộ biết đến và khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.

-Hệ thống văn bản QPPL trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có số lượng văn bản rất lớn, theo bà việc hệ thống các văn bản QPPL trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vào Bộ Pháp điển có đồng thời giúp hạn chế tính chồng chéo của các văn bản trong lĩnh vực này không?

Hai đề mục do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì là những đề mục có số lượng văn bản rất lớn, đồ sộ. Đề mục Giáo dục chứa đựng quy định trong 232 văn bản QPPL và đề mục Giáo dục đại học chứa đựng quy định trong 96 văn bản QPPL. Với khối lượng văn bản trong mỗi đề mục đồ sộ như vậy, quá trình thực hiện pháp điển các đề mục này đặt ra thách thức khá lớn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ở khâu rà soát, xử lý văn bản trước khi thực hiện pháp điển vào đề mục

Qua quá trình thực hiện pháp điển 2 đề mục này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng thời triển khai hiệu quả công tác rà soát, xử lý văn bản nhằm mục tiêu “làm sạch” hệ thống văn bản QPPL về giáo dục và giáo dục đại học. Điều này giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, toàn diện đối với thực trạng của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ đó các nhà làm luật sẽ đưa ra được quy định phù hợp và thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung, hạn chế được các trường hợp văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, quy định trái với quy định khác trong hệ thống pháp luật. Có thể nói đây là thành công của Bộ pháp điển.

Từ thực tiễn triển khai công tác pháp điển này, chúng tôi thấy rõ được vai trò, ý nghĩa, tác động tích cực của công tác này đối với công tác hoàn thiện pháp luật về giáo dục và đào tạo nói riêng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung.

Đọc thêm