Bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú
Trình bày dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Luật Cư trú chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, việc đăng ký, quản lý cư trú.
Trong dự thảo Luật không có quy định nào yêu cầu công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính mà chỉ quy định công dân có quyền được cấp giấy tờ xác nhận về cư trú trong trường hợp bản thân có yêu cầu. Thực tiễn vừa qua cho thấy, việc các cơ quan, tổ chức, đơn vị yêu cầu công dân phải xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú để làm cơ sở thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự còn tương đối phổ biến.
Do đó, dự thảo Luật đã quy định cấm hành vi lạm dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân (khoản 2 Điều 8). Đồng thời, cùng với việc thông qua Luật này và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đề nghị Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan khác có liên quan khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành để sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện các thủ tục, giao dịch.
Về điều kiện đăng ký thường trú, theo báo cáo của UBTVQH, qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với đề nghị của Chính phủ và kiến nghị của các cơ quan trực tiếp đăng ký, quản lý cư trú ở các thành phố trực thuộc trung ương đã được khảo sát về việc không quy định điều kiện đăng ký thường trú áp dụng riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành, bởi việc đặt ra các điều kiện riêng này sẽ làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân; tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận công dân đang sinh sống, làm việc tại các thành phố lớn nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú…
Có cần quy định chuyển tiếp?
Về điều khoản thi hành được quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật, theo ông Tùng, qua thảo luận, đa số các ý kiến đều nhất trí với thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 1/7/2021 như cam kết của Chính phủ và Bộ Công an.
Tuy nhiên, do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, cập nhật dữ liệu và hoàn thiện trước khi có thể vận hành một cách suôn sẻ trên thực tế, nên trong quá trình này, nếu phát sinh các vấn đề mới có thể dẫn đến việc không thể kịp hoàn thành theo thời gian nói trên, Chính phủ cần sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật cho phù hợp trước khi Quốc hội thông qua dự án Luật này.
Liên quan đến đề nghị cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ cho người dân sau khi Luật này đã có hiệu lực thi hành, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến.
Trong đó, loại ý kiến thứ nhất đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp để chứng minh thông tin về nơi cư trú thay thế cho giấy tờ xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự có yêu cầu thông tin về nơi cư trú cho đến hết ngày 31/12/2022.
Loại ý kiến thứ 2 nhất trí với đề nghị của Chính phủ, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới từ ngày Luật có hiệu lực thi hành và không cần có quy định chuyển tiếp, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1/7/2021.
Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu (ĐB) Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) tán thành với phương án 2 với lý do phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ; quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, bên cạnh quyết tâm của các bộ, ngành, Chính phủ phải sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời đặc biệt quan tâm đến nguồn và lực cho việc triển khai và thực hiện trong toàn hệ thống, nhất là ở cơ sở để khi ban hành, luật thực sự đi vào cuộc sống.
Ngược lại, ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) lại đồng tình phương án 1. Theo ĐB, quy định chuyển tiếp như vậy sẽ thuận lợi cho người dân, đảm bảo lấy người dân là đầu tiên để phục vụ. ĐB Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn về quy định chuyển tiếp. Theo ĐB, dù Bộ Công an đã quyết tâm thực hiện từ 1/7/2021, khi đó lập tức bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng theo thống kê, hiện nay có 27 loại giấy tờ về hộ khẩu liên quan đến nhiều ngành.
“Trong thời gian từ nay đến lúc đó thì sửa đổi các quy định này có kịp không? Tôi đề nghị cần có thời gian lưu hành đồng thời sổ hộ khẩu và căn cước công dân, ít nhất đến cuối năm 2022 để các ngành, các lĩnh vực có liên quan nếu chưa thay đổi kịp thì người dân vẫn có quyền giao dịch bằng sổ cũ, tránh gây phiền hà cho dân”, ĐB Hòa nêu quan điểm.
Phát biểu khai mạc Hội nghị đại biểu QH hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và dự án Luật Cư trú (sửa đổi) sáng 4/9, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Các dự thảo Luật này đã được nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, bước đầu có sự chỉnh lý.
Tuy nhiên, một số nội dung vẫn còn nhiều ý kiến, phương án khác nhau nên cần được tiếp tục cân nhắc, nhất là cần được các đại biểu QH hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến thêm.
Chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, góp ý kiến, nêu rõ quan điểm về những vấn đề được đề cập trong hai dự án Luật. Qua thảo luận sẽ có luận cứ thuyết phục để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.