Bộ Công an hiện là đầu mối duy nhất quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu về cư trú để đảm bảo các yếu tố bảo mật. Cơ sở dữ liệu này chưa được kết nối, hòa mạng chung để các sở, ngành của TP sử dụng.
Theo UBND Hà Nội, người dân trên địa bàn vẫn cần sổ hộ khẩu để thực hiện 25 giao dịch, thủ tục hành chính như: Mua, bán, chuyển nhượng nhà đất; đăng ký kết hôn; làm hộ chiếu; mua bán, sang nhượng tài sản khác; khai sinh, khai tử; ủy quyền; thừa kế; lắp đặt điện nước; xin đi học; xin việc làm…
Vì vậy, khi thay thế sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân, các thủ tục này sẽ được thực hiện bằng cách cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư và cư trú. Tùy vào chức năng, nhiệm vụ và loại thủ tục, cơ quan Nhà nước sẽ trích xuất từng loại thông tin của người dân.
Để đẩy nhanh tiến trình bỏ sổ hộ khẩu, UBND Hà Nội đề xuất Bộ Công an xây dựng hoàn thiện hệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo đầy đủ thông tin, chính xác và được cập nhật kịp thời khi người dân thay đổi.
Hà Nội mong muốn Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sớm được kết nối, chia sẻ với các đơn vị chức năng của TP giải quyết các thủ tục hành chính. Bộ Công an cần có quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của công dân trong việc cung cấp, khai báo thông tin.
Về các khó khăn, UBND Hà Nội nhận định công an cấp xã, phường chưa đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất theo hệ thống quản lý mới, chưa được đào tạo chuyên sâu. TP kiến nghị Bộ Công an sớm hoàn thiện phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cán bộ các cấp được tập huấn…
UBND Hà Nội cũng kiến nghị gia hạn thời gian sổ hộ khẩu có giá trị pháp lý thêm 18 tháng nhằm giúp các cơ quan có sự chuẩn bị trang, thiết bị đồng bộ, hạn chế xáo trộn đột ngột của các thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu.