Bò sữa chết hàng loạt ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người dân nghi vấn bò sữa chết hàng loạt có liên quan đến việc tiêm vaccine viêm da nổi cục, song theo chính quyền địa phương, những đàn bò không tiêm vaccine cũng bị chết. Cơ quan chức năng địa phương gửi mẫu đi kiểm nghiệm, làm rõ nguyên nhân... 
Người dân nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương lo lắng cho sức khoẻ đàn bò sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục.

Người dân nuôi bò sữa ở huyện Đơn Dương lo lắng cho sức khoẻ đàn bò sau khi tiêm vaccine viêm da nổi cục.

Nhiều ngày nay, hàng trăm hộ dân ở vùng bò sữa Lâm Đồng thuộc 2 huyện Đức Trọng- Đơn Dương đang vô cùng lo lắng bởi tình trạng hàng ngàn con bò đột ngột phát bệnh, nhiều con đã chết.

Theo người dân, những đàn bò được tiêm vaccine viêm da nổi cục có triệu chứng đi ngoài cả chục ngày, sau đó tuôn ra hàng khối máu đông rồi chết. Còn đàn bò của những hộ chăn nuôi chưa tiêm loại vaccine này lại không xảy ra triệu chứng gì.

Ông Trần Đình Nam bên cạnh con bò ngã bệnh có thể không qua khỏi.

Ông Trần Đình Nam bên cạnh con bò ngã bệnh có thể không qua khỏi.

Ông Trần Đình Nam (Tổ 2, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) cho biết: Gia đình ông được cán bộ thú y tới chích vaccine chống viêm da nổi cục. Sau khoảng 10 ngày, cả đàn bò khoảng 50 con (trừ mấy con bò đang mang thai không chích) có biểu hiện sốt, bỏ ăn. Sau đó những con bị nặng đi ngoài ra máu tươi rồi chết. Do đó, người đàn ông này nghi bò chết có liên quan tới vaccine.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan tâm trạng như ngồi trên đống lửa bên đàn bò sữa của gia đình.

Bà Nguyễn Thị Thanh Loan tâm trạng như ngồi trên đống lửa bên đàn bò sữa của gia đình.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Loan (tổ 19, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) kể, gia đình bà chích vaccine cho toàn bộ 17 con bò, sau 7 ngày toàn bộ đều bị sốt, bỏ ăn. Trong 2 ngày 5- 6/8 đã có 2 con bò trưởng thành bị chết với triệu chứng bỏ ăn, đi ngoài phân lỏng, cuối cùng đi ngoài xối xả ra máu tươi rồi chết. Bà rất lo cho cả đàn bò còn lại, bởi chúng đều đang có triệu chứng của những con đã chết. Bà Loan cũng nghi vấn nguyên nhân khiến bò chết có thể liên quan đến vaccine.

Theo ông Phạm Văn Hiếu, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bồng Lai, đàn bò của thôn có 3.400 con, trong đó có 2.800 con bò sữa. Thực hiện kế hoạch tiêm vaccine viêm da nổi cục, từ ngày 22- 28/7, toàn thôn đã tiêm được khoảng 80%. Sau 3 ngày tiêm, sản lượng sữa của đàn bò bỗng nhiên sụt giảm, tới ngày từ thứ 5 đến thứ 7 sau khi tiêm, bò bỏ ăn và xuất hiện tình trạng tiêu chảy. Sau đó nhiều con bò đi ngoài ra máu rồi chết. Đó là tình trạng chung trên đàn bò của các hộ đã tiêm phòng vaccine. Còn những hộ chưa tiêm phòng vaccine, đàn bò không có biểu hiện gì, ăn uống khỏe, sản lượng sữa ổn định. Hiện tại toàn thôn có 20 con đã chết, trên 2.000 con đang bị ảnh hưởng, đang có biểu hiện phát bệnh.

Chính quyền 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) đang tích cực tổng hợp, thống kê cũng như xác định nguyên nhân khiến hàng trăm con bò, chủ yếu là bò nuôi lấy sữa đột ngột chết. Người dân ước tính, số lượng bò chết đã lên tới hàng trăm con.

Chính quyền huyện Đức Trọng đang tích cực làm việc với Sở NN&PTNT để tìm ra nguyên nhân, tập trung khống chế dịch bệnh, thống kê thiệt hại.

Theo người dân, nguyên nhân bò ngã bệnh liên quan tới việc tiêm vaccine.

Theo người dân, nguyên nhân bò ngã bệnh liên quan tới việc tiêm vaccine.

Tương tự, tình trạng bò sữa đột ngột chết cũng xảy ra ở các xã Ka Đô, Tu Tra, Quảng Lập, Đạ Ròn của huyện Đơn Dương. Đây đều là những địa phương nuôi bò sữa cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất sữa có tiếng trên cả nước. Ông Nguyễn Đình Tịnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, hiện toàn huyện chưa có thống kê cụ thể về số lượng bò chết đột ngột mà đang tập trung mọi nguồn lực cho công tác dập dịch như khử trùng chuồng trại, tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Theo ông Tịnh, các xã Ka Đô, Quảng Lập và Tu Tra, trong đó xã Tu Tra thiệt hại nặng nhất, các xã còn lại cơ bản đã kiểm soát tình hình.

Về nguyên nhân bò chết hàng loạt, ông Tịnh cho biết, ngành Nông nghiệp đang gửi mẫu đi kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân; chưa thể khẳng định bò chết do liên quan đến việc tiêm vaccine hay không, bởi một số đàn bò không tiêm vaccine cũng bị chết: “UBND huyện đã yêu cầu Sở NN&PTNT gửi mẫu đi kiểm nghiệm gấp, nếu thật sự do vaccine thì đơn vị này phải có trách nhiệm với người dân, nhưng hiện giờ chưa có đủ cơ sở kết luận nên địa phương tập trung cao nhất cho công tác phòng bệnh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương nói.

Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản yêu cầu tạm dừng tiêm vaccine viêm da nổi cục, theo dõi sức khoẻ đàn bò sữa sau khi tiêm vaccine.

Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản yêu cầu tạm dừng tiêm vaccine viêm da nổi cục, theo dõi sức khoẻ đàn bò sữa sau khi tiêm vaccine.

Chính quyền 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) đang tích cực tổng hợp, thống kê cũng như xác định nguyên nhân khiến hàng trăm con bò, chủ yếu là bò nuôi lấy sữa đột ngột chết. Người dân ước tính, số lượng bò chết đã lên tới hàng trăm con.

Ở diễn biến khác, lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (sở NN&PTNTLâm Đồng) cho biết đã nắm được thông tin trên và lấy mẫu để xét nghiệm. Cho đến thời điểm này, cơ quan chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh tiêu chảy hàng loạt trên đàn bò.

Trong sáng nay, 7/8, lãnh đạo Chi cục sẽ đi kiểm tra và tham gia cuộc đối thoại với người dân ở thôn Bồng Lai, sau đó làm việc với UBND huyện Đức Trọng.

Liên quan tới việc tiêm vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò sữa, ngày 2/8 vừa qua, Chi cục Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã có văn bản số 313/CNTYTS gửi Trung tâm nông nghiệp các huyện, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc. Tại văn bản này, Chi cục cho biết, trước diễn biến của bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa có thể tiếp tục lây lan, Chi cục đã đề nghị các Trung tâm nông nghiệp tạm dừng tiêm vaccine viêm da nổi cục cho đàn bò sữa trên toàn tỉnh đến khi có hướng dẫn của Chi cục chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; các Trung tâm nông nghiệp cử cán bộ kỹ thuật theo dõi sức khoẻ đàn bò, nhất là đàn bò sữa sau khi tiêm vacine viêm da nổi cục.

Đọc thêm