Bộ Tài chính chấn chỉnh giá sữa, giá cước vận tải

(PLO) - Trước tình hình sôi động của thị trường cuối năm, Bộ Tài chính đã gửi công văn yêu cầu các Sở Tài chính kiểm tra, nắm bắt tình hình giá sữa và giá cước vận tải tại địa phương.

Trong công văn gửi các địa phương, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính báo cáo tình hình thực tế 06 tháng triển khai thực hiện công tác bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi tại địa phương, trong đó phải xác định giá tối đa, đăng ký giá, kiểm tra niêm yết giá.

Đồng thời, làm rõ tác động diễn biến giá nguyên liệu sản xuất sữa đối với thị trường sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong nước trên cơ sở báo cáo của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi về diễn biến giá cả nhập khẩu.

Về giá cước vận tải ôtô, các Sở Tài chính cần chuẩn bị các nội dung về tình hình thực hiện cơ chế quản lý giá cước vận tải tại địa phương cũng như kết quả thực hiện các quy định về giá cước vận tải trên địa bàn.

Bộ Tài chính cho biết Bộ sẽ kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi và làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp vận tải trên địa bàn.
 

Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải báo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 3 năm (năm 2012 đến 2014), cụ thể về doanh thu, chi phí (trong đó báo cáo cụ thể chi phí nhiên liệu), lợi nhuận trước thuế của 3 năm trên cơ sở báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh đã được quyết toán, kiểm toán; giá thành vận tải tại thời điểm hiện nay, tác động của giá xăng dầu đến giá thành vận tải của doanh nghiệp; kế hoạch điều chỉnh giá cước vận tải trong bối cảnh chi phí đầu vào có xu hướng giảm.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các công ty kinh doanh sữa cần giảm các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị để giảm giá bán sữa và phải kịp thời giảm giá bán khi nguyên liệu, chi phí nhập khẩu giảm.

Còn đối với các doanh nghiệp vận tải, Bộ này đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc, yêu cầu doanh nghiệp cần giảm cước theo giá xăng dầu.

Bộ Tài chính cũng cho biết, đến hết ngày 30/11/2014, các doanh nghiệp sữa sẽ thoát khỏi một phần cơ chế kiểm soát bình ổn giá, không cần xin phép trước khi tăng giá. Tuy nhiên, thời hạn doanh nghiệp bị khống chế giá trần vẫn còn kéo dài trong 6 tháng nữa.

Với các doanh nghiệp vận tải, Bộ này đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc, yêu cầu doanh nghiệp cần giảm cước theo giá xăng dầu.

Tính đến hôm nay, một số hãng taxi đã bắt đầu giảm từ 500- 2.000 đồng/km sau khi xăng dầu đã có 9 lần giảm giá liên tiếp. Cụ thể, tại Hà Nội, hãng taxi Hương Lúa mở đầu với mức giảm 500 đồng/km áp dụng từ 11-11. Một số hãng khác như Hà Nội taxi, Vạn Xuân taxi vẫn đang hoàn tất phương án giảm giá cước.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Vinasun giảm 500 đồng/km, Mai Linh TP.HCM cũng giảm 500 đồng/km. Riêng Mai Linh phía Bắc và miền Tây sẽ giảm 2.000 đồng./.

Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm