Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện giảm thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% đã được thực hiện ổn định trong năm 2022 và năm 2023. Do vậy, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giảm thuế GTGT như nội dung đã được quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Theo đó, chính sách giảm 2% thuế suất thuế thuế giá trị gia tăng dự kiến được kéo dài tới hết tháng 6 năm 2024, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Bộ Tài chính cho biết, nếu được Quốc hội thông qua giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm 2024, nguồn thu ngân sách nhà nước dự kiến giảm khoảng 25.000 tỷ đồng (khoảng 4.175 tỷ đồng/tháng; trong đó, giảm thu khâu nội địa là 2.700 tỷ đồng; giảm thu khâu nhập khẩu khoảng 1.475 tỷ đồng).
Số liệu trên được Bộ Tài chính tính toán trên cơ sở dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước ở khâu nội địa trong 6 tháng cuối năm 2023 (bình quân mỗi tháng là khoảng 2.550 tỷ đồng), giả định tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6 - 6,5%, tốc độ tăng trưởng thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 5 - 7%.
Theo Bộ Tài chính, để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, dịch COVID-19 xảy ra đã gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt kinh tế đời sống, kinh tế, xã hội. Tính riêng giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có. Từ năm 2020 đến nay tổng trị giá của các giải pháp miễn giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế TNDN, TNCN, GTGT, TTĐB, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023 khoảng 196 nghìn tỷ đồng và tính đến tháng 9/2023 đã thực hiện khoảng 152,2 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chống chịu với đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn. Số DN ra khỏi thị trường hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 19,9% so với 9 tháng đầu năm 2022.
Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, mặc dù nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục xu hướng phục hồi và có triển vọng tích cực, nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi.
“Khi hoạt động xuất khẩu giảm sút thì việc tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước sẽ là biện pháp quan trọng giúp tiêu thụ hàng hóa cho các DN sản xuất và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Do vậy, cần tiếp tục có giải pháp về chính sách tài chính để thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.