Bộ Tài nguyên và Môi trường nói về tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kể từ đầu năm đến nay (thời điểm tháng 11), Bộ TN&MT đã thực hiện 116 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó 58 cuộc thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch và 58 cuộc kiểm tra đột xuất ở các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước. Kết quả kiểm tra đến nay đã ban hành 126 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền trên 49 tỷ đồng. 
Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Theo Thanh tra Bộ TN&MT, tính từ đầu năm đến nay, về lĩnh vực đất đai đã thực hiện 11 cuộc kiểm tra tại 17 tỉnh. Các cuộc kiểm tra đã hoàn thành và hiện đang hoàn thiện Báo cáo kết quả kiểm tra theo quy định; lĩnh vực môi trường đã thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo Kế hoạch kiểm tra 08 cuộc đối với 161 cơ sở trên địa bàn 14 tỉnh. Đã ban hành 96 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 96 cơ sở với tổng số tiền là 42.851 triệu đồng; lĩnh vực địa chất, khoáng sản đã thực hiện 53 cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra đã phát hiện 13 tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật và đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 2.931 triệu đồng; lĩnh vực tài nguyên nước đã thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch 07 cuộc và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 17 tổ chức với số tiền là 2.815 triệu đồng.

Trên cơ sở thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, Thanh tra Bộ TN&MT đã phát hiện ra một số hành vi vi phạm như:

Đối với lĩnh vực đất đai: Sử dụng đất không đúng mục đích; không sử dụng đất hoặc tiến độ thực hiện chậm so với tiến độ ghi trong dự án được duyệt; lấn chiếm đất đai; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; chưa thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; chưa thực hiện kê khai đăng ký đất đai, chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

Đối với lĩnh vực môi trường: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết Bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; không có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết Bảo vệ môi trường; xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo; thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ không đúng tần suất, không đầy đủ các thông số theo yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có giấy xác nhận việc hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; thu gom chất thải nguy hại không triệt để, khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ theo quy định

Đối với lĩnh vực khoáng sản: Đối với tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản: Khai thác vượt công suất cho phép; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo ĐTM hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường; lập Bản đồ hiện trạng khai thác mỏ chưa đúng quy định; khai thác khoáng sản vượt ra ngoài phạm vi diện tích khu vực được phép khai thác khoáng sản; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác; khai thác vượt công suất cấp phép; chưa nộp thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản; chưa nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước: Không có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; vi phạm các nội dung trong giấy phép đã cấp; vi phạm về việc vận hành xả nước theo quy định vận hành liên hồ chứa; không thực hiện việc quan trắc mực nước dưới đất của giếng khoan; thực hiện quan trắc thiếu tần suất, thiếu thông số của chất lượng nước thải; không gắn thiết bị đo lưu lượng xả thải vào nguồn nước; không lập báo cáo tình hình thực hiện giấy phép khai thác tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước.

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ TNMT Vũ Văn Long, một số doanh nghiệp vi phạm điển hình như: Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì, có địa chỉ trụ sở chính: Phố Sông Thao, phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chánh Thanh tra Bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tổng số tiền 980 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của Công ty trong 04 tháng 15 ngày; Công ty Cổ phần Môi trường Thái Nguyên, địa chỉ trụ sở chính: xóm Cầu Giao, xã Minh Đức, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Chánh Thanh tra Bộ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường tổng số tiền gần 955 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của Công ty trong 4,5 tháng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, kịp thời ngăn chặn những vi phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT Vũ Văn Long cho biết, các địa phương cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với công tác quản lý Nhà nước của cấp huyện và việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân.

"Bộ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên đối với các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường; tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện các sơ hở, bất cập để hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, chế độ cho tổ chức thanh tra nói chung và cho lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phó Chánh Thanh tra Bộ TN&MT đưa ra một số giải pháp.

Phó Cục trưởng Cục khoáng sản Việt Nam Trần Phương trao đổi thông tin với PV Báo Pháp luật Việt Nam.

Phó Cục trưởng Cục khoáng sản Việt Nam Trần Phương trao đổi thông tin với PV Báo Pháp luật Việt Nam.

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; trong đó có nhiệm vụ áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế; cải tạo, mở rộng nâng cấp các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xem xét trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất khoáng sản, công nghiệp khai khoáng. Thu hồi giấy phép khai thác, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là lợi dụng để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

"Kết quả trúng đấu giá đối với 03 mỏ cát trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa qua là "bất thường”. Với kết quả đó, chỉ riêng chi phí liên quan đến nghĩa vụ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã vượt xa giá bán sản phẩm cát trên thị trường. Do đó, việc triển khai dự án khai thác khoáng sản là rất khó khả thi", Phó Cục trưởng Cục khoáng sản Việt Nam Trần Phương nhận định.

Đọc thêm