“Bó tay” với cách xử lý vi phạm giao thông có một không hai

Một số hộ nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) cáo buộc: Thời gian gần đây, các xe vận chuyển mía cho Cty TNHH Rượu- Đường - Cồn Vạn Phát (Cty Vạn Phát) thường bị cảnh sát giao thông phối hợp cùng quản lý thị trường, dân quân, công an xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh)… chặn lại, lập biên bản những lỗi quá tải, chạy sai làn đường…

Một số hộ nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) cáo buộc: Thời gian gần đây, các xe vận chuyển mía cho Cty TNHH Rượu- Đường - Cồn Vạn Phát (Cty Vạn Phát) thường bị cảnh sát giao thông phối hợp cùng quản lý thị trường, dân quân, công an xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh)… chặn lại, lập biên bản những lỗi quá tải, chạy sai làn đường…

Điều đáng nói là các lỗi vi phạm (nếu có) sẽ được lực lượng kiểm soát bỏ qua nếu tài xế đồng ý… quay xe lại giao mía cho Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa (tên thường gọi là Nhà máy đường Đồng Bò).

CSGT chặn xe mía trước trụ sở UBND xã Đức Bình Tây.
CSGT chặn xe mía trước trụ sở UBND xã Đức Bình Tây.

“Tầm soát” gắt gao xe chở mía

12h trưa 20/5/2012, chúng tôi có mặt trên quốc lộ 25, khu vực trước trụ sở UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nhằm xác minh sự việc. Chuyến xe tải biển số 78K – 2293 do tài xế Lê Văn Nhường điều khiển chở đầy mía nguyên liệu cho Cty Vạn Phát đang lưu thông giữa trời nắng như đỏ lửa. Bất ngờ một cảnh sát giao thông cùng dân quân hối hả lao ra từ cổng trụ sở UBND xã thổi còi chặn lại. Sau khoảng 10 phút xuống xe năn nỉ, tài xế Lê Văn Nhường bị buộc phải quay đầu xe trở lại giao mía cho Nhà máy Đồng Bò, nếu tiếp tục chở mía giao cho Cty Vạn Phát sẽ bị giam xe.

Nông dân Nguyễn Văn Mười được Cty Vạn Phát ký hợp đồng đầu tư kinh phí trồng 14 ha mía, khi thu hoạch, cũng bị chặn xe không cho chở mía về cho Cty Vạn Phát, buộc phải giao mía cho Nhà máy Đồng Bò. Trao đổi với chúng tôi, ông Mười bức xúc: “Tôi có hợp đồng trồng mía với Cty Vạn Phát, nhưng khi giao mía lại bị chính quyền địa phương ngăn cản, buộc phải giao mía cho Nhà mày Đồng Bò một cách quá vô lý. Mỗi chuyến xe mía bị chặn lại, ách tắc một ngày, mía trên xe bị phơi nắng khiến chất lượng sụt giảm, trung bình các hộ nông dân bị thiệt hại 1,5 – 2 triệu đồng/xe”.

Ngoài việc “nhờ” các lực lượng chức năng “ngăn sông cấm chợ”, không cho xe vận chuyển mía ra khỏi địa bàn huyện Sông Hinh, Ban quản lý điều hành Nhà máy Đồng Bò còn mời các hộ nông dân có hợp đồng  với Cty Vạn Phát lên “họp” và yêu cầu trả lại hợp đồng.

Tương tự như ông Nguyễn Văn Mười, nông dân Võ Bá Phụng, ngụ thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh được Cty Vạn phát đầu tư kinh phí trồng 20 ha mía cũng vô cùng bức xúc trước việc chính quyền  địa phương tùy tiện lập chốt chặn xe, không cho xe vận chuyển mía về Cty Vạn Phát.

Ông Phụng cho biết, với quyết tâm thâu tóm nguồn nguyên liệu, Ban quản lý điều hành Nhà Máy Đồng Bò cử người thường trực “chốt” tại khu vực ngã ba thị trấn Hai Riêng, những chuyến xe tải chất đầy ắp mía nguyên liệu ì ạch rẽ về hướng Nhà máy Đồng Bò cứ vô tư lăn bánh, trong khi đó, bất cứ xe vận chuyển mía nào đi về hướng Cty Vạn Phát, những người ở “chốt” sẽ lập tức gọi điện báo tin cho lực lượng chức năng. Với hình thức “tầm soát” gắt gao như vậy, hiếm xe chở mía nào có thể vượt qua khỏi trụ sở UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh.

“Nông dân muốn hợp tác đầu tư với ai là quyền của họ, sao lại cứ khăng khăng buộc phải hợp tác với Nhà máy Đồng Bò trong khi họ không muốn” - ông Phụng bày tỏ quan điểm trong sự bức xúc.

“Mượn tay” cơ quan công quyền cạnh tranh không lành mạnh

Hiện tượng lập chốt chặn xe vận chuyển mía nguyên liệu cho Cty Vạn Phát đã xuất hiện trên địa bàn huyện Sông Hinh từ thời điểm đầu vụ mía năm 2010 - 2011. Sau khi các cơ quan ngôn luận lên tiếng phản ánh, hiện tượng này có phần tạm lắng. Thế nhưng tình trạng “ngăn sông cấm chợ” lại tái diễn vào cuối vụ mía năm 2011 – 2012 với mức độ còn quyết liệt hơn nhằm mục đích gây khó khăn cho các hộ nông dân có hợp đồng trồng mía với Cty Vạn Phát, buộc họ phải quay về hợp đồng với Nhà máy Đồng Bò.

Sự việc này không chỉ gây khó khăn, thiệt hại cho các hộ nông dân trồng mía trên địa bàn huyện mà còn đẩy doanh nghiệp Vạn Phát vào tình trạng lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch Cty Vạn Phát cho biết, đã đầu tư nâng cấp thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng công suất lên 1.200 – 1.500 tấn mía so với 500 – 700 tấn của vụ xản suất năm 2010 – 2011, doanh nghiệp không ngần ngại xuất kinh phí đầu tư hàng chục tỉ đồng cho các hộ nông dân  trồng mía, nhằm đảm bảo an ninh nguồn nguyên liệu cho hoạt động sản xuất.

Thế nhưng, đến vụ thu hoạch mía lại bị ngăn cản, khiến cả hệ thống dây chuyền sản xuất vừa mới nâng cấp phải đình trệ vì không đủ nguồn nguyên liệu để vận hành, gây thiệt hại không nhỏ cho công ty.

“Đáng tiếc rằng việc thiếu hụt nguyên liệu sản xuất không bắt nguồn từ nguyên nhân khách quan mà xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh của Cty cổ phần mía đường Tuy Hòa với sự can thiệp của chính quyền huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Việc làm này của chính quyền địa phương chẳng khác nào đẩy các doanh nghiệp sản xuất chân chính vào con đường phá sản” - Bà Bùi Thị Quy ngậm ngùi.

Nguyễn Tuấn 

Đọc thêm