Bố trí nguồn vốn, quyết tâm hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh

(PLVN) - Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh vấn đề trên tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, chiều nay, 6/6.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội - điều hành phiên họp.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội - điều hành phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) và nhiều đại biểu khác nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh; đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong việc triển khai dự án thời gian qua.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, dự án đã chậm tiến độ nhiều năm so với các Nghị quyết của Quốc hội.

Do đó, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông toàn tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Cùng với đó, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như chất lượng công trình nhiều đoạn, tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, còn để xảy ra tiêu cực… và đề nghị Chính phủ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các chủ thể liên quan, rút kinh nghiệm cho các công trình đang triển khai với số vốn đầu tư rất lớn.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn khả thi để đảm bảo hoàn thành các dự án tiếp theo của dự án đường Hồ Chí Minh để nối thông toàn tuyến trong năm 2025. Đồng thời, nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như bảo đảm an toàn giao thông.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, đường Hồ Chí Minh là con đường đặc biệt, con đường huyền thoại nên Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38/2004/NQ-QH11, Nghị quyết số 66/2013/QH13; Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, trong đó có Bộ Giao thông vận tải đã rất quyết liệt triển khai thực hiện.

Về nguyên nhân chậm tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 – 2010, tiến độ triển khai dự án rất tốt.

Tiếp đó, giai đoạn 2011-2015 được bố trí nguồn lực rất lớn, nhưng thời điểm đó xảy ra khủng hoảng kinh tế, Chính phủ ban hành nghị quyết để dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát.

Giai đoạn 2011-2015 hầu như các dự án lớn, trong đó có dự án đường Hồ Chí Minh phải dừng, giãn để kiềm chế lạm phát và trong 5 năm này hầu như không thực hiện được.

Giai đoạn 2016 đến 2020, chúng ta chủ trương khởi động lại những dự án dang dở, dừng giãn và tập trung dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 và nhiều dự án trọng điểm. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho dự án đường Hồ Chí Minh và các dự án dang dở giai đoạn này cũng rất ít nên không đủ nguồn lực thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, một nguyên nhân nữa là đường Hồ Chí Minh là con đường đi qua địa hình phức tạp, khu vực địa chất khó khăn... Do đó, trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng…

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của Bộ và một số bộ ngành liên quan trong công tác tham mưu cho Chính phủ tham mưu Quốc hội để rà soát, bố trí nguồn vốn.

Về giải pháp khắc phục tình trạng chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tin tưởng, với việc bố trí đủ nguồn lực và sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương, giai đoạn sắp tới, dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng và các dự án khác sẽ thực hiện đúng tiến độ.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh.

Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử chính trị, kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ.

Đồng thời, việc hoàn thành mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các vùng chiến khu kháng chiến.

Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 2 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.

“Trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc, đề nghị Chính phủ tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, trách nhiệm của Trung ương, bộ, ngành, địa phương...”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Toàn cảnh phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội thống nhất đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp về chủ trương tiếp tục đầu tư các đoạn, tuyến còn lại của đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025.

Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai và cân đối, bố trí nguồn lực để đầu tư hoàn thành hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận để đến năm 2025 cơ bản nối thông đường Hồ Chí Minh trên cơ sở tận dụng Quốc lộ 32, Quốc lộ 21.

Thứ hai, tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Nghị quyết 44/2022/QH15.

Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến, thực hiện chuẩn bị đầu tư ngay trong năm 2022 và 2023 theo quy mô cao tốc làm cơ sở để huy động nguồn vốn sớm đầu tư khi cân đối đủ nguồn lực. Yêu cầu Chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã đầu tư khu vực Tây Nguyên, nhất là di dời các trạm thu phí, giải quyết về đền bù, quyết toán chống lấn chiếm hành lang.

Đọc thêm