ĐBQH truy đến cùng vấn đề cử tri quan tâm

(PLO) - Sáng nay, trong một chương trình đổi mới của kỳ họp QH, các ĐB đã có cuộc thảo luận với tinh thần "truy đến cùng" các vấn đề cử tri quan tâm, đã được đưa lên bàn chất vấn các thành viên Chính phủ ở kỳ họp trước
ĐB Phạm Đức Châu - tỉnh Quảng Trị
ĐB Phạm Đức Châu - tỉnh Quảng Trị
Đồng bào lòng hồ thủy điện đang mòn mỏi chờ chính sách
Thực hiện chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là khuyến khích đại biểu Quốc hội truy đến cùng những vấn đề mà cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, ĐB Nguyễn Thái Học - Phú Yên đã nêu vấn đề chậm trễ trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về ban hành chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tái định cư các dự án thủy diện. 
“Từ kỳ họp thứ tư tôi và nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu thực trạng đời sống khó khăn của bà con vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, nơi triển khai tái định cư các dự án thủy điện, ở Hòa Bình, Nghệ An, Sơn La và Phú Yên. Nghị quyết Quốc hội đã giao Chính phủ trong năm 2013 không thực hiện được nên Nghị quyết Quốc hội tiếp tục giao Chính phủ trong năm 2014 phải ban hành chính sách đặc thù này.... Mặc dù đã qua 4 kỳ họp, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có sự phối hợp tham mưu cho Chính phủ, nhưng đến nay chính sách này vẫn chưa được ban hành.” - ông nói
Ông đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời trước Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; đề nghị có sự khẳng định trong năm 2014 chính sách đặc thù này cho vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy điện có được ban hành hay không.
 “Trong các Báo cáo của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ nêu đã trình cho Chính phủ, nhưng sự trình này có được Chính phủ chấp nhận hay không. Đại biểu Quốc hội chúng tôi cần có câu trả lợi cụ thể để có cơ sở báo cáo với cử tri. Xin cảm ơn Quốc hội.” ĐB nói.
"Một con tàu chìm thì rà soát tàu, một mỏ đá sập thì rà soát mỏ?"
ĐB Phạm Đức Châu - Quảng Trị - thẳng thắn cho rằng việc quản lý của chúng ta quá kém. Ông phát biểu: “Chính phủ cần đánh giá sâu hơn tại sao có rất nhiều việc xảy ra trong thực tiễn cuộc sống mà cứ xảy ra thì Chính phủ buộc phải chỉ đạo rà soát, trước đó công tác quản lý Nhà nước rõ ràng lỏng lẻo. Một con tàu chìm thì rà soát tàu, một mỏ sập thì rà soát mỏ đá, một cầu treo sập thì rà soát cầu, một cầu treo sập thì rà soát cầu treo, như vậy rõ ràng quản lý nhà nước đi chậm, đi sau. Cử tri mong muốn công tác quản lý nhà nước phải bằng tổng hợp, dự báo tình hình, qua công tác thanh tra, kiểm tra, đừng để tình trạng đó xảy ra."
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý nhà nước, ĐB Châu  đề nghị các bộ, ngành trung ương cần hết sức thận trọng khi đưa ra các quyết định của mình. Đừng để đưa ra rồi phải sửa hoặc dư luận không tốt. 
“Ví dụ gần đây nhất Bộ Nội vụ hoãn một kỳ thi chuyên viên chính tại Thừa Thiên - Huế, gần 700 người đến, hai ngày tập trung hoãn, về, nghe đồn tập trung để Bộ trưởng chất vấn không biết có đúng không, nhưng dư luận không đồng tình. Tôi cũng đề nghị Bộ Nội vụ cho kiểm tra lại, nếu đúng như vậy thì không tốt. Các bộ khác cũng vậy, những việc đó các bộ rất cố gắng cả một năm trời, nhưng chỉ cần một vài quyết định không chín chắn cũng ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các bộ, ngành Trung ương.” ông bức xúc nói.  
"Sự an toàn của dân còn nặng hơn nợ xấu hay nợ công"
Cũng “truy đến cùng” đối với nội dung chất vấn về vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu. Trần Hoàng Ngân - TP Hồ Chí Minh - nói: “Trong Báo cáo của Bộ Công thương có ghi trong 10 tháng đầu năm 2014 lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 130.000 vụ thì phát hiện xử lý 80.000 vụ, tức là trên 50%. Điều đó cho thấy tình trạng này vẫn còn xảy ra một cách nghiêm trọng với quy mô lớn và phức tạp.”
Theo ĐB, người nông dân đã nghèo nhưng mua phải phân bón thì giả, thuốc trừ sâu cũng làm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nông dân. Người dân ăn uống thì cảm thấy không an toàn, bệnh đi cấp cứu thì gặp thuốc giả rất đau lòng. Dân có rất nhiều bức bách và cảm thấy không an toàn trong cuộc sống. 
“Đây là món nợ tôi nghĩ còn nặng hơn là nợ xấu hay nợ công. Rất mong Chính phủ có một kế hoạch hành động thật cụ thể và quyết liệt để giải quyết tình trạng này.” ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị. 
"Mất lòng tin, dân phải đưa tiền hối lộ"
Đề cập đến vẫn đề chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng – nhận định mặc dù Đảng, quyết tâm chính trị của chúng ta thì rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được yêu cầu. 
Ông cho rằng mấu chốt của vấn đề là phải xây dựng lòng tin cho dân. “Hiện nay nhiều người cứ nói bảo tôi nhớ có một đồng chí còn trả lời trên truyền hình, bởi vì cán bộ của chúng tôi chưa bao giờ đòi dân phải đưa hối lộ nhưng tại dân cứ đưa. Vì sao dân họ đưa, mình phải xem lại cán bộ mình, hỏi tại sao dân cứ đưa? Bởi vì thực ra người ta không còn niềm tin với anh người ta mới phải đưa. Người ta chữa bệnh người ta phải đưa tiền, bởi vì người ta không tin, nếu anh không có tiền thì anh không chữa tốt cho người ta luôn. Tôi xin vào công chức nhà nước, tôi cũng phải chi tiền, tôi sợ rằng anh không công tâm về công tác tổ chức là bốn ông quy hoạch, nếu tôi không chạy tiền thì ông kia ông ấy chạy mất thì sao? 
Mình phải xây dựng được lòng tin cho người ta, nếu chúng ta không xây dựng được lòng tin cho cán bộ thì tiêu cực, tham nhũng còn phát triển rất mạnh, bởi làm cái gì người ta cũng không tin, buộc lòng phải đưa tiền. Cho nên cứ bảo vì sao dân cứ đưa tiền, đụng tới tiền, không phải, họ không còn niềm tin với chúng ta nữa, mất lòng tin.”
Từ những phân tích đó, ông cho rằng trong việc đấu tranh chống tham nhũng ngoài việc xử lý nghiêm, trừng phạt nghiêm, trong đó phải xây dựng lòng tin cho người dân. “Nếu chúng ta không xây dựng lòng tin cho người dân thì tất cả mọi hoạt động người dân đi đến đâu họ cũng đưa tiền, đưa tiền không phải kính nể thì họ cho. Còn lộc của ông quan lại khác, bởi vì làm quan thời kỳ nào cũng có lộc, nhưng cái lộc nó khác, mình ăn chặn của dân nó khác. Hai việc đó nó hoàn toàn khác nhau.” Ông khẳng định. 
Liên quan đến nội dung chất vấn trong buổi sáng nay, các ĐB còn đề nghị làm rõ các nội dung đã chất vấn ở kỳ họp trước liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn  có chưa có chuyển biến rõ rệt…

Đọc thêm