Quy mô, tiềm lực nền kinh tế không ngừng mở rộng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thuận lợi lớn nhất là thời cơ, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm Đổi mới. Theo đó, nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, doanh nghiệp (DN) lớn toàn cầu ghi nhận, đánh giá cao, năng lực quản trị xã hội không ngừng được nâng lên. “Đây là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thức mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh…” - Bộ trưởng khẳng định.
Cùng với đó, các yếu tố nền tảng về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST)... tiếp tục được nâng lên, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước và thực tiễn phát sinh. Nhất là, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 1.900km đường cao tốc (riêng năm 2023 là 475km đường cao tốc), các tuyến đường ven biển, liên vùng, mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương.
Thể chế liên kết vùng cũng có bước đột phá rõ nét, đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, xác định định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương;
Ngoài ra, việc khánh thành Trung tâm ĐMST quốc gia (NIC) là động lực quan trọng để thúc đẩy ĐMST, hình thành hệ sinh thái ĐMST quốc gia, khởi nghiệp sáng tạo của đất nước trong tương lai.
Đặc biệt, hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Trong năm 2023, chúng ta đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; nâng tầm quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển; nâng tầm quan hệ với Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới như: chíp, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, ĐMST, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cần quyết liệt, nỗ lực hơn rất nhiều
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, khó khăn, thách thức Việt Nam phải đối mặt trong năm 2024 vẫn còn rất lớn. Trong đó, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đó là, cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại một số nơi nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cùng với đó, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống (dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng…) sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực, trong đó có Việt Nam.
“Diễn biến bất lợi của thế giới, khu vực sẽ tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… của nước ta. Cơ cấu cầu thế giới thay đổi theo hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ… từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới…” - Bộ trưởng phân tích.
Ngoài ra, thách thức đối với liên kết vùng sẽ còn phức tạp nếu không sớm xác định và triển khai các biện pháp đặc thù nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, từng ngành và từng địa phương; sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của DN bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài, cộng hưởng với những khó khăn, thách thức mới từ đầu năm 2023 đến nay; du lịch đối diện với nhiều thách thức; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn khó khăn... Thiên tai, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu có thể phức tạp hơn, tác động ngày càng mạnh tới các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có sản xuất lương thực, cấp nước cho phát điện, sản xuất, chăn nuôi… Các vấn đề an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh luôn thường trực, diễn biến khó lường hơn.
“Điều này đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt, nỗ lực hơn rất nhiều để có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra cho năm 2024 - năm được xác định có vị trí rất quan trọng trong thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025…” - Bộ trưởng nhấn mạnh.