Tại buổi tiếp xã giao, Đại tướng Phan Văn Giang đã trân trọng cảm ơn Đoàn lãnh đạo Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước: Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan đã tới Việt Nam tham dự Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Điều này thể hiện sự đoàn kết của lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực.
Đồng thời, Đại tướng Phan Văn Giang còn biểu dương lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian qua, như: chia sẻ thông tin trong phòng, chống tội phạm trên biển; bảo vệ môi trường; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; hỗ trợ đào tạo.
Thời gian tới, Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước mở rộng các hoạt động hợp tác, như: chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tuần tra chung; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên biển; hỗ trợ ngư dân các nước hoạt động đúng pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, thông qua Chương trình giao lưu nhằm củng cố lòng tin giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước, với tinh thần giải quyết các bất đồng bằng biện pháp hòa bình; chung tay, góp sức để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống; vì mục tiêu xây dựng các vùng biển an ninh, an toàn và môi trường sạch.
Đại diện lãnh đạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Phan Văn Giang đã dành thời gian tiếp đoàn và cho rằng, Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ nhất, năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước trong khu vực, nhất là các nước có vùng biển liền kề với Việt Nam.
Không những vậy, trong những ngày qua, lực lượng thực thi pháp luật các nước cũng đã có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác và nhất là sau khi được tham quan Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, Trưởng đoàn các nước đều rất ấn tượng trước sự phát triển lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại buổi tiếp xã giao với đại biểu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước. |
Theo tìm hiểu, trong những năm gần đây, các hoạt động hàng hải, hoạt động kinh tế biển ngày càng phát triển nhanh chóng; các vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính chất toàn cầu ngày càng tác động rõ nét và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, khu vực. Điều này đặt ra đòi hỏi khách quan về sự phối hợp, hợp tác của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới mà đại diện là Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng bảo vệ biển các nước nhằm xây dựng được vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Đối với Việt Nam, Lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam cũng như điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Vì thế, trước xu thế vận hội của tình hình thế giới, nhiệm vụ đối ngoại, hợp tác quốc tế vì vùng biển Việt Nam hoà bình, hữu nghị và phát triển là yêu cầu cấp thiết, khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
|
Đại biểu các nước tại buổi tiếp xã giao. |
Nhận thức rõ những yêu cầu nói trên, ngay sau khi được thành lập (28/8/1998), Đảng ủy, Thủ trưởng Cục Cảnh sát biển (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Việt Nam đã đặc biệt coi trọng và triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình xây dựng, phát triển Lực lượng Cảnh sát biển, hướng tới cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao.
Cụ thể, Cảnh sát biển Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tham quan, học hỏi và tiếp cận mô hình tổ chức Lực lượng Cảnh sát biển tiên tiến của các nước châu Âu như Thụy Điển, Tây Ban Nha để có so sánh, lựa chọn và vận dụng sáng tạo vào mô hình, xây dựng, phát triển. Các đơn vị Cảnh sát biển cũng đã chủ trì đón tiếp nhiều lượt tàu thực thi pháp luật trên biển các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến thăm và giao lưu. Qua các hoạt động thăm tàu, cán bộ, chiến sĩ hai Bên cùng nhau tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật, xử lý ô nhiễm môi trường biển và cùng nhau luyện tập tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.
|
Đại tướng Phan Văn Giang chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước. |
Với mục tiêu không ngừng nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn chủ động trong việc tìm nguồn, lựa chọn, đề xuất với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng về tiếp nhận các trang thiết bị chuyên ngành và hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp, hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có vùng biển tiếp giao, vùng biển liền kề với biển Việt Nam.
Đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức ký kết và thực hiện theo nội dung các văn bản hợp tác đã ký kết với 9 Lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Campuchia, Philippines, Indonesia, Malaysia, và hiện đang thúc đẩy ký kết văn bản hợp tác với một số nước khác. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn. Các nội dung hợp tác này là điều kiện cần thiết trong việc xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Với tinh thần tích cực, nhạy bén và sự chủ động, linh hoạt, trong hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã từng bước thiết lập được các mối quan hệ hợp tác tin cậy, ổn định với hầu hết các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước ASEAN và nhiều nước lớn trên thế giới. Thông qua đó, đã góp phần giải quyết hài hòa những khác biệt, tạo sự đồng thuận cao giữa các nước, các lực lượng, cùng chung tay giữ gìn an ninh, trật tự và hòa bình trên biển.