Việt Nam đã phát điện cạnh tranh nhưng vẫn phải kiểm soát 'đầu ra'

(PLVN) - Chiều 7/11, phát biểu giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam đã phát điện cạnh tranh, nhưng "đầu ra" vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Điện lực sửa đổi. (Ảnh: Nghĩa Đức)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về dự án Luật Điện lực sửa đổi. (Ảnh: Nghĩa Đức)

Làm rõ những vấn đề lớn, vấn đề căn cốt trong lần sửa đổi này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng giải trình về các nội dung mới được quy định trong Luật Điện lực được nhiều đại biểu quan tâm như về điện gió ngoài khơi, về giao thẩm quyền cho Chính phủ hay cho Bộ, ngành có liên quan quy định chi tiết vận hành điều độ hệ thống điện quốc gia...

Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định về những cơ chế, chính sách chủ đạo để xây dựng, phát triển thị trường điện cạnh tranh ở cả 3 cấp độ theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, nhất là vấn đề sản xuất, kinh doanh điện. Bộ trưởng nêu rõ, đến giờ này đã phát điện cạnh tranh, “bây giờ 52% các nhà đầu tư ngoài nhà nước thì rõ ràng là cạnh tranh chứ không thể không cạnh tranh”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra, chúng ta có điểm khác với các nước ở chỗ chúng ta không thể theo hoàn toàn cơ chế thị trường được, vì đằng sau còn có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho nên đầu vào có cao đến bao nhiêu nhưng đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Liên quan đến giá điện, theo Bộ trưởng, bây giờ có khung giá quy định theo Luật Giá và Luật Điện lực. Trong khung đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể làm như thế nào để ra được khung giá, dựa vào khung giá các bên đàm phán với nhau, “chứ không phải bên này bắt chẹt bên kia”. Bộ trưởng giải thích, sở dĩ yêu cầu trong thời hạn 12 tháng mọi đàm phán phải xong, vì nếu không xong thì lại kiếm cớ để kéo dài, nếu kéo dài chúng ta sẽ thiếu điện.

Đồng thời, phân tích về đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật tại một kỳ họp, Bộ trưởng cho hay, cứ chậm 1 ngày có Luật là chúng ta chậm cả năm, thậm chí là nhiều năm để thu hút đầu tư. Trong đó, đáng chú ý, quy hoạch Điện VIII xác định đến năm 2030, tức là chỉ còn hơn 5 năm nữa, chúng ta phải tăng gấp đôi công suất. Đến năm 2050 tức là 26 năm nữa phải tăng gấp 5 lần công suất hiện nay. Nếu từ bây giờ không có Luật và không có những cơ chế, chính sách cụ thể chúng ta không thể thu hút được đầu tư.

Không có đầu tư sẽ không có điện, không có điện thì không có gì hết. Điện phải đi trước một bước”, Bộ trưởng Diên phản ánh và đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật vào cuối Kỳ họp này.

Đọc thêm