Khó kiểm soát được chất lượng, giá cả nếu người dân phải mua thuốc bên ngoài

(PLVN) - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho rằng, thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: Hồ Như Ý)
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà. (Ảnh: Hồ Như Ý)

Chiều 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Nhiều thay đổi thực tế, rất khó xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Đóng góp 1 số ý kiến liên quan đến Luật Đấu thầu, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, về quy định tại khoản 2 Điều 55), cơ sở bán lẻ thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là cơ sở cung cấp thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các hàng hóa thiết yếu khác trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo quy định, nhà thuốc bệnh viện do Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động. Về giá thuốc mua vào, Nghị định 155 của Chính phủ quy định nhà thuốc bệnh viện mua thuốc không cao hơn giá trúng thầu của thuốc đó tại cùng thời điểm, hoặc không cao hơn giá trúng thầu tại cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến Trung ương trong vòng 12 tháng. Về giá thuốc bán ra, Nghị định 54 của Chính phủ quy định thặng số bán lẻ tối đa của tất cả các thuốc tại nhà thuốc bệnh viện.

Đại biểu cho rằng, do các đặc thù như nhà thuốc bệnh viện bán thuốc theo nhu cầu của người bệnh, không dự trù trước được về danh mục, số lượng, mô hình bệnh tật cũng liên tục thay đổi, nên rất khó để xây dựng được kế hoạch lựa chọn nhà thầu. “Thiếu thuốc tại nhà thuốc bệnh viện buộc người dân phải mua bên ngoài, vừa bất tiện, vừa khó kiểm soát được chất lượng và giá cả, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất”, Đại biểu Hà phát biểu.

Đại biểu Hà cho hay, quy định tại khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 55 của Luật Đấu thầu đã gây ra không ít lúng túng cho các bệnh viện do việc mua thuốc của nhà thuốc bệnh viện cũng sử dụng nguồn thu hợp pháp.

Theo khoản 1 Điều 2, tất cả các hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị đều phải áp dụng Luật Đấu thầu, trong khi quy định tại khoản 2 Điều 55 cho phép cơ sở được tự quyết định việc mua sắm. Khi triển khai thực tế, đã có rất nhiều sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh gửi công văn tới Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản ánh khó khăn, bất cập, đề nghị hướng dẫn nội dung này.

“Thực trạng hiện nay các nhà thuốc bệnh viện đang thiếu rất nhiều các loại thuốc, thiết bị y tế, để phục vụ cho nhu cầu của bệnh nhân”, Đại biểu chỉ rõ và cho rằng, ngoài thuốc, nhà thuốc bệnh viện cũng còn có một số loại mặt hàng khác như thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, sữa đều là những mặt hàng thiết yếu phục vụ trực tiếp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.

Trên cơ sở đó, Đại biểu Hà kiến nghị sửa khoản 2 Điều 55 như sau: “Đối với việc mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; mua thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng hóa thiết yếu khác tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tự quyết định việc mua sắm đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không phải áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu”.

Đồng thời, để đảm bảo tính logic giữa các điều khoản, Đại biểu kiến nghị sửa khoản 1 Điều 2 như sau: Hoạt động lựa chọn nhà thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp theo quy định pháp luật của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật này).

Quang cảnh phiên làm việc chiều 6/11. (Ảnh: Phạm Thắng)

Quang cảnh phiên làm việc chiều 6/11. (Ảnh: Phạm Thắng)

Bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư trong đầu tư dự án PPP

Góp ý cho một số nội dung của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, nhu cầu đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn, nhưng việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương thức PPP còn rất hạn chế. Trong đó, có các nguyên nhân như các dự án khó giải phóng mặt bằng, lưu lượng người lưu thông ít... thì kêu gọi đầu tư PPP, còn dự án thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, lưu lượng xe lưu thông nhiều thì đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đó là điều không hợp lý, thiếu công bằng với dự án PPP nên không thu hút được nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, chưa giải quyết dứt điểm các dự án BOT hiện nay còn tồn tại ở các địa phương chưa được phép thu phí hoặc chấm dứt thu phí, gây khó khăn cho nhà đầu tư, nợ ngân hàng không có khả năng trả. Các dự án mới ngân hàng cũng ngần ngại cho vay… Cho nên, Đại biểu Hòa nhấn mạnh, việc bổ sung sửa đổi một số nội dung điều chỉnh cho các dự án PPP là cần thiết.

Về lĩnh vực quy mô đầu tư theo phương thức công tư và quy mô tối thiểu trên các lĩnh vực, theo vị Đại biểu Đoàn Đồng Tháp, nếu các dự án PPP được áp dụng “cơ chế chia sẻ phần trăm giảm doanh thu” thì có thể dẫn đến rủi ro cho Nhà nước nhiều hơn khi Nhà nước đầu tư tối đa 70%. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cân nhắc thận trọng từng dự án để bảo đảm hiệu quả cho Nhà nước và nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước và nhà đầu tư.

Về quy trình dự án PPP không phải thực hiện các bước thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, không sử dụng vốn Nhà nước, Đại biểu Hòa đề nghị cân nhắc là phải có thẩm định để rõ nguồn vốn và khách quan trong đầu tư và thời gian thực hiện nhằm hạn chế nhà đầu tư lách luật kéo dài dự án để thu phí.

Đọc thêm