Bộ trưởng Công thương giải đáp băn khoăn về năng lực Ủy ban cạnh tranh Quốc gia

(PLO)- Quy định về Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trong dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi được nhiều ĐBQH quan tâm thảo luận tại phiên họp chiều qua, 24/5. Một số ý kiến băn khoăn Ủy ban này vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện tố tụng cạnh tranh liệu có đảm bảo khách quan?.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Mở đầu buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Luật. Về quy định quản lý nhà nước tại Điều 7 của dự thảo luật tạo ra hai luồng ý kiến. Có ý kiến tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.

Bên cạnh đó một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu theo hướng bổ sung một chương quy định về cơ quan cạnh tranh, trong đó định danh cơ quan cạnh tranh là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia. Đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban này và thẩm quyền của những người tiến hành tố tụng cạnh tranh.

Theo đó người có thẩm quyền xử lý vụ việc cạnh tranh là các thành viên Ủy ban cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Khi xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, hội đồng hoạt động độc lập theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số và chỉ tuân theo pháp luật. 

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội lý giải quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương mà không thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội theo Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế nhằm giúp thu gọn đầu mối các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, không làm phát sinh đầu mối cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội.

Mặc dù Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu, song nhiều đại biểu vẫn lo lắng. Chẳng hạn như ý kiến đại biểu Phan Thái Bình, đoàn Quảng Nam cho rằng theo quy định trong dự thảo thì Ủy ban trên sẽ tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy đặt giả thiết Hội đồng giải quyết sai gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng sau khi hội đồng đã giải thể mới phát hiện ra thì giải quyết thế nào? 

ĐBQH Phan Thái Bình băn khoăn nếu Ủy ban cạnh tranh xử lý sai nhưng đã giải thể thì xử lý thế nào?
ĐBQH Phan Thái Bình băn khoăn nếu Ủy ban cạnh tranh xử lý sai nhưng đã giải thể thì xử lý thế nào?

Còn đại biểu Cầm Thị Mẫn, đoàn Thanh Hóa đặt vấn đề có nên để tên “Ủy ban cạnh tranh Quốc gia” hay không. Bởi trước đây tên gọi Ủy ban là để cơ quan này thuộc Chính phủ nhưng nay đề án đã thay đổi, cơ quan này thuộc về Bộ công thương nên việc để tên gọi Ủy ban nên xem xét.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã có những giải đáp ý kiến đại biểu. Với những ý kiến băn khoăn về vị trí pháp lý, vai trò của Ủy ban cạnh tranh Quốc gia, Bộ trưởng Công thương nói phương án trong dự thảo là tối ưu. Phương án này không làm phình bộ máy. Ủy ban cạnh tranh dù trực thuộc Bộ Công thương nhưng là cơ quan bán tư pháp, các thành viên Ủy ban do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Kèm theo đó là các quy định về cạnh tranh cụ thể trong các luật thì Ủy ban hoàn toàn đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, nhất là giải quyết các vụ việc cạnh tranh.

Đọc thêm