Yêu cầu trên của ông Đinh La Thăng là nội dung Công văn số 7275 về việc kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ.
Đình chỉ nhà thầu nếu để ô tô vi phạm kích thước thùng hàng
Chỉ đạo của người đứng đầu ngành giao thông nêu rõ, các Ban Quản lý dự án (PMU) thuộc Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT phải yêu cầu tất cả các nhà thầu thi công các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thuộc đơn vị mình quản lý lập danh sách biển số xe ô tô tải tự đổ chuyên chở vật liệu xây dựng để PMU có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam cung cấp các thông số về kích thước thùng xe theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp lần đầu và lần gần nhất.
Đặc biệt, các nhà thầu thi công phải thực hiện kiểm tra tại hiện trường và nghiêm cấm các xe vi phạm kích thước thùng hàng hoạt động tại khu vực công trường, đồng thời thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở GTVT địa phương để xử lý vi phạm theo quy định. Yêu cầu các chủ phương tiện vận chuyển vật liệu cho dự án cam kết không sử dụng xe vi phạm kích thước thùng hàng, nếu vi phạm sẽ chấm dứt hợp đồng vận chuyển.
“Các nhà thầu thi công dự án kiên quyết tạm đình chỉ thi công có thời hạn đối với nhà thầu tiếp tục để xe ô tô vi phạm kích thước thùng hàng vận chuyển vật liệu cho dự án đến khi có phương án vận chuyển vật liệu không sử dụng xe ô tô vi phạm kích thước thùng hàng; xem xét không ký hợp đồng thi công đối với những nhà thầu tái phạm sử dụng xe vi phạm kích thước thùng hàng vận chuyển vật liệu cho dự án” - Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm cung cấp các thông số về kích thước thùng xe theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường được cấp lần đầu và lần gần nhất theo đề nghị của các Ban Quản lý dự án, xử lý vi phạm đối với việc tự ý thay đổi kích thước thùng hàng theo quy định.
Các PMU và nhà thầu thi công dự án của ngành GTVT cũng bị yêu cầu khi ký các hợp đồng để thực hiện dự án phải có nội dung cam kết tuân thủ đúng quy định về tải trọng phương tiện và kích thước thùng hàng khi vận chuyển vật liệu cho dự án, đồng thời coi đây là một trong những tiêu chí để xem xét việc chấm dứt hợp đồng nếu có vi phạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông và Sở GTVT các địa phương tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với chủ xe ô tô tải tự đổ tại các địa phương, các dự án thuộc ngành GTVT về tình hình vi phạm tự ý thay đổi kích thước thùng hàng và xử lý vi phạm theo quy định.
Các chủ phương tiện vi phạm lần đầu sẽ bị đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu doanh nghiệp phải khắc phục, cắt giảm kích thước thùng hàng của xe trước khi kiểm định lại.
“Làm đột ngột”
Nếu chủ doanh nghiệp vi phạm lần hai trở đi, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị đơn vị đăng kiểm thu hồi tem và giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước hoặc tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe.
“Sau mỗi đợt thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp danh sách xe vi phạm và cung cấp cho các Ban Quản lý dự án thuộc ngành GTVT, đề nghị các PMU yêu cầu nhà thầu thi công không ký hợp đồng đối với những chủ phương tiện vi phạm” - công văn nêu rõ.
Các PMU và nhà thầu thi công để xe ô tô vi phạm kích thước thùng hàng vận chuyển vật liệu cho dự án nếu vi phạm lần đầu sẽ kiến nghị chủ đầu tư có văn bản nhắc nhở. Nếu tái phạm sẽ kiến nghị chủ đầu tư xem xét mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp, đồng thời kiến nghị chủ đầu tư chỉ đạo không ký hợp đồng với những nhà thầu tiếp tục vi phạm.
Trong khi đó, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc cấm xe ô tô vi phạm kích thước thùng hàng phải có lộ trình, phải tuyên truyền cho các lái xe, chủ xe biết được việc điều chỉnh các quy định về vận tải để phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh, đời sống.
“Nếu làm đột ngột, cùng một lúc đưa ra quá nhiều giải pháp đối với ngành vận tải thì sẽ tạo ra bức xúc cho nhiều người. Trong lúc đó trách nhiệm của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho ngành vận tải thì hiệu quả chưa cao” - ông Liên cho biết.