Theo cử tri Lâm Đồng, hiện SGK không có sự thống nhất của các bộ sách mà do các trường lựa chọn gây khó khăn cho học sinh khi chuyển từ trường này đến trường khác hoặc địa phương này đến địa phương khác. Ngoài ra, chương trình phân ban ở cấp học THPT dẫn tới có sự mất cân bằng về sĩ số học sinh giữa các ban. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời như sau: Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông quy định: “SGK cụ thể hoá các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hoá biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học”.
Luật Giáo dục 2019 quy định: “SGK triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hoá yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, như vậy, vai trò của SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã khác so với SGK hiện hành. Các SGK khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hoá chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình.
Trong khi đó, về chương trình phân ban, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mục tiêu của chương trình giáo dục cấp THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng tự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích hợp với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới. Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn 4 môn học từ nhóm các môn học lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường đã xây dựng tổ hợp môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để đáp ứng với nhu cầu của người học vừa đảm bảo phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện toàn bộ quá trình biên soạn SGK, việc lựa chọn SGK của các địa phương trong bối cảnh thực hiện xã hội hoá SGK, xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn đảm bảo sự công tâm, minh bạch.