Trong văn bản trả lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, để chuẩn bị triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới theo lộ trình, Bộ GD&ĐT đã thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa kịp thời cho các địa phương lựa chọn và sử dụng. Mặc dù vẫn kịp thời để địa phương lựa chọn, các nhà xuất bản tổ chức xuất bản, phát hành nhưng do sách giáo khoa được biên soạn bằng hình thức xã hội hóa, làm cuốn chiếu nên việc biên soạn của các tổ chức, cá nhân còn chậm.
Mặt khác, việc thẩm định cũng bị chậm so với kế hoạch vì dịch COVID-19. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phê duyệt danh mục sách giáo khoa để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn và các nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa.
Đối với SGK của lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các nhà xuất bản để nắm bắt nhu cầu số lượng mỗi đầu sách giáo khoa, lên phương án in ấn, phát hành, cung ứng đảm bảo phục vụ dạy và học trước thềm năm học mới.
Việc cung ứng phát hành sách giáo khoa đã được tổ chức bài bản, khoa học, trách nhiệm, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm, thiếu sách giáo khoa và đảm bảo cho học sinh, nhà trường có đủ sách giáo khoa trước khi khai giảng năm học mới.
Đối với sách giáo khoa lớp 8, lớp 11 để tổ chức dạy, học từ năm học 2023 - 2024, hiện nay Bộ đã phê duyệt để các địa phương lựa chọn. Như vậy, đối với lớp 8 và lớp 11 đã phê duyệt sách giáo khoa sớm hơn 1 tháng so với lớp 7 năm học trước.
Để bảo đảm cung cấp đầy đủ sách giáo khoa của những lớp tiếp theo được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các nhà xuất bản căn cứ vào số lượng đăng ký của các địa phương tổ chức in và phát hành đủ theo nhu cầu cụ thể của địa phương.
Bên cạnh đó, cử tri An Giang cũng đưa ra kiến nghị về việc từng trường học được chọn sách giáo khoa cho học sinh đã gây bất cập và trở ngại cho học sinh và phụ huynh, vì tìm mua sách giáo khoa gặp không ít khó khăn hoặc khi chuyển trường phải mua sách mới theo trường đã đến. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu có sự thống nhất và giải pháp tích cực hơn để học sinh yên tâm học tập.
Bộ GD&ĐT trả lời: Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".
Luật Giáo dục 2019 quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".
Như vậy, vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đã khác so với sách giáo khoa hiện hành. Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình. Sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều phải được biên soạn, thẩm định theo quy định.
"Chương trình giáo dục phổ thông là căn cứ pháp lý để sử dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc; tại mỗi tỉnh/thành phố sẽ sử dụng ổn định sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn. Học sinh thuộc tỉnh/thành phố nào thì sẽ sử dụng sách giáo khoa theo danh mục sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đó ban hành. Chỉ có rất ít học sinh do chuyển từ địa phương này sang địa phương khác có thể phải mua sách giáo khoa khác cho phù hợp khi đến địa phương mới", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu.