Bộ trưởng Lê Thành Long làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương

(PLO) - Sáng 25/7, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn đầu đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương. Cùng đi với Bộ trưởng có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ. 

Về phía địa phương, tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Dương Thái, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng, Lương Văn Cầu cùng đại diện các Sở ban ngành tỉnh.

 

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển cảm ơn Bộ trưởng và Đoàn công tác đã về làm việc với Hải Dương, qua đó để cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành trong tỉnh hiểu rõ hơn về công tác tư pháp cũng như khó khăn vướng mắc. Thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Bí thư Hiển cũng khẳng định, thời gian tới tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác tư pháp, THADS nhưng hai cơ quan này cũng phải chủ động, nâng cao chất lượng công tác tham mưu.

Đánh giá về công tác Tư pháp, THADS trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lương Văn Cầu cho biết, nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2018, các mặt công tác tư pháp đã được UBND chỉ đạo, triển khai đồng bộ, kịp thời. Sở Tư pháp, Cục THADS tổ chức thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Sở Tư pháp và các đơn vị trong ngành đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan hữu quan trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Công tác chỉ đạo, điều hành có định hướng cụ thể, các kế hoạch công tác năm, kế hoạch chuyên đề ở từng lĩnh vực; chương trình công tác trọng tâm được xây dựng chi tiết ngay từ đầu năm.

 

Các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện như: tiến hành sửa đổi bổ sung hệ thống Quy chế làm việc của Sở Tư pháp, xây dựng, thẩm định, tham gia ý kiến các dự thảo VBQPPL; triển khai thi hành BLHS, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý và các luật mới được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4; ban hành kế hoạch thực hiện các đề án phổ biến giáo dục pháp luật theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp; tập trung giải quyết các vụ việc phức tạp phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước theo chức năng theo dõi thi hành pháp luật, quản lý xử lý vi phạm hành chính….

Đối với công tác THADS đã bám sát Chương trình công tác trọng tâm của Bộ Tư pháp, kế hoạch công tác của Tổng cục THADS và Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Ban Chỉ đạo THADS tỉnh và các Ban chỉ đạo cấp huyện được duy trì thường xuyên và hiệu quả. Ngoài việc chỉ đạo phối hợp giải quyết các vụ khó khăn, phức tạp, Ban chỉ đạo THADS cấp huyện đã chỉ đạo phối hợp tổ chức cưỡng chế thành công 30 việc, trong đó có 10 việc cưỡng chế phải huy động lực lượng liên ngành. 6 tháng đã giải quyết xong 6253 việc, đạt tỷ lệ hơn 76% đứng thứ 21/63 tỉnh thành. Về tiền đã giải quyết xong gần 101 tỷ đồng.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, UBND tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế như công tác PBGDPL một số ngành, địa phương còn hình thức; còn có tổ chức hành nghề công chứng chưa nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật; kết quả thi hành về tiền còn đạt thấp…

Nêu các nhiệm vụ và giải pháp, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành rà soát VBQPPL chuyên ngành hiện hành có quy định về công tác tổ chức cán bộ, qua đó có biện pháp tham mưu, kiến nghị sửa đổi bổ sung cho thống nhất; đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tổng thể về dự án đầu tư nói chung và dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng để áp dụng thống nhất trên toàn quốc tránh chồng chéo, khó khăn cho doanh nghiệp (trong thực tế, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ đối tượng chuyển nhượng là dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, dự án bất động sản hay dự án đầu tư có sử dụng đất, do đó pháp luật quy định định trình tự, thủ tục chuyển nhượng, cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư này chưa thống nhất); tăng cường kiểm tra đối với các Thông tư do các bộ, ban ngành ban hành để kịp thời kiến nghị, xử lý vi phạm; đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định các VBQPPL có liên quan đến phân cấp, xã hội hóa tránh quá tải cho cơ sở; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp, pháp chế ngành…

 

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã chỉ rõ những thế mạnh, nỗ lực và kết quả trong công tác tư pháp, THADS của Hải Dương đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt pháp luật thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hơn đội ngũ làm công tác pháp chế; có những mô hình PBGDPL phù hợp, tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; tăng cường kiểm tra đối với việc xử lý vi phạm hành chính; quan tâm xử lý thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng. ..

Riêng đối với công tác THADS, Q.Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi cho biết thời gian qua Tổng cục đã chỉ đạo sát sao, hướng dẫn nghiệp vụ, chia sẻ với Hải Dương những khó khăn trong công tác để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Thời gian tới theo Q.Tổng cục trưởng cần thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện nhất là những vụ việc lớn; cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm kiện toàn, củng cốc đội ngũ cán bộ; mong tỉnh quan tâm hỗ trợ về kinh phí; bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, chấp hành viên…

 

Đại diện các Sở ban ngành của tỉnh Hải Dương cũng trao đổi, kiến nghị thêm với Bộ trưởng và Đoàn công tác một số vấn đề trong công tác THADS, tư pháp.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn đánh giá cao những kết quả trong công tác tư pháp, và cho rằng tuy còn rất nhiều khó khăn, nhất là đội ngũ cán bộ Sở Tư pháp quá mỏng nhưng theo Phó Bí thư thường trực đây là vấn đề phải giải quyết lâu dài, do đó phải từng bước luân chuyển, đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ hiện có để khắc phục tình trạng thiếu biên chế. Đồng thời, ngành Tư pháp cũng phải dành thời gian nhiều hơn cho tham mưu xây dựng các văn bản để tạo hành lang pháp lý tốt tránh khiếu nại.

 

Chúc mừng Hải Dương với những thành quả trong phát triển kinh tế xã hội, nằm trong top các tỉnh đã tự cân đối về ngân sách, Bộ trưởng Lê Thành Long đồng thời cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND thời gian qua đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp THADS. Cho rằng công tác tư pháp nhiều đặc thù, công tác THADS thì rất phức tạp nên cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn từ cấp ủy, chính quyền địa phương. Với những hạn chế đã được chỉ ra và thảo luận tại buổi làm việc Bộ trưởng đề nghị thời gian tới, tỉnh tạo điều kiện, nghiêm khắc hơn trong công tác xây dựng văn bản, theo đó tư pháp cũng cần tăng cường chất lượng công tác tham mưu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh kiểm tra các nghề tư pháp; duy trì một số tổ chức công chứng, đấu giá là những đơn vị sự nghiệp công lập là “chỗ dựa”, thực hiện tự chủ phải có lộ trình. Riêng công tác phối hợp, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tránh tình trạng “ngành nào biết ngành ấy” gây khó khăn trong công việc.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn về biên chế, khối lượng công việc lại gia tăng, Bộ trưởng mong muốn “tỉnh không giảm biên chế”, để tư pháp tiếp tục công tác đào tạo, bồi dưỡng để bù đắp thiếu hụt về số lượng.

Đọc thêm