Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói gì trước nạn bạo lực gia đình?

(PLO) - Theo nhiệm vụ được Chính phủ giao thì ngành VHTT&DL vốn là “đầu tàu” của công tác gia đình nói chung và PCBLGĐ nói riêng. Nhưng đến nay Luật PCBLGĐ đã 10 năm có hiệu lực mà ngành VHTT&DL vẫn có rất nhiều điều “muốn kêu” và “bị kêu”. 
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật PCBLGĐ

Ngày 12/12, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ, một nữ nạn nhân của BLGĐ hiện đang tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên đã khẩn thiết đề nghị các cơ quan chức năng cần có nhiều động thái hơn nữa để cứu các nạn nhân BLGĐ, kể cả sau khi họ đã ly hôn.

“Đã trải qua nên tôi hiểu BLGĐ là một điều thật sự khủng khiếp, giết chết những gia đình và tương lai những đứa trẻ”, nữ nạn nhân nói. Liên quan đến vấn đề hỗ trợ mà nữ nạn nhân này nói,  GS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và Giới đã từng nhiều lần đưa ra nhận định việc triển khai quy định về hỗ trợ nạn nhân BLGĐ vẫn còn khoảng trống, nhất là về cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ.

“Đến thời điểm này chưa thành lập được loại hình hỗ trợ vì Bộ VHTT&DL đã khởi động dự án bằng nguồn kinh phí nhà nước, song dự án không được xây dựng do không có kinh phí, về phía địa phương cũng vậy”, theo ông Minh.

Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ không giảm là quan điểm của xã hội về BLGĐ, vẫn coi đó là chuyện riêng mỗi nhà.

Vì thế, ở góc độ truyền thông về PCBLGĐ, PGS.TS Phạm Hương Trà – Học viện Báo chí tuyên truyền nhận xét, các thông tin về BLGĐ hiện nay chủ yếu được lồng ghép trong các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; trong tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”; trong các buổi sinh hoạt tổ dân phố/thôn/bản mừng Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày 8/3, Ngày 20/10... nên chất lượng chỉ dừng lại ở tỷ lệ người tham gia, chứ thông tin chuyên sâu không đến được với nhiều người.

Mong muốn sự phối hợp vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương để hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, nhưng theo bà Nguyễn Thanh Cầm – Trưởng ban Chính sách – Luật pháp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thì “thực tế qua phỏng vấn nạn nhân phụ nữ bị BLGĐ, chị em cho biết khi bạo lực xảy ra luôn tìm đến sự trợ giúp của Hội Phụ nữ đầu tiên.

Trong khi đó, để hỗ trợ một nạn nhân BLGĐ rất cần đến sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương để hỗ trợ cả về mặt tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần”...

Bên cạnh những vấn đề “bị kêu” thì bản thân Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện tại Phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác PCBLGĐ tháng 10/2018 cũng đã nhận định: “Luật PCBLGĐ còn bị ràng buộc bởi những văn bản khác nên chưa phát huy được hiệu quả; cho đến nay lĩnh vực gia đình vẫn chưa có cộng tác viên dẫn đến khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.

Vì vậy, cần xem xét làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về gia đình hiện nay cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Số liệu thống kê về BLGĐ là chưa đầy đủ. Bộ VHTT&DL cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi luật, các nghị định nhằm mang lại tính răn đe cao, tuy nhiên sửa đổi luật là việc không thể làm thường xuyên...”. 

Đọc thêm