Cách ly nạn nhân bạo lực gia đình: Phải có đơn mới mong chạy thoát khỏi tay vũ phu?

(PLO) - Bị đánh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nạn nhân bạo lực gia đình không dễ gì chạy thoát khỏi chính nơi ngôi nhà và nắm đấm của vũ phu. Bởi theo luật, để áp dụng được quy định cấm tiếp xúc cũng lắm nỗi nhiêu khê...
Nhà tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ ở 360 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau thời gian thí điểm từ tháng 8-11/2018 sẽ được đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để có thể xem xét nhân rộng.
Nhà tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ ở 360 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sau thời gian thí điểm từ tháng 8-11/2018 sẽ được đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm để có thể xem xét nhân rộng.

Mặc định người phải rời nhà là nạn nhân

Có một vụ án bạo lực gia đình (BLGĐ) nổi tiếng ở Hải Dương xảy ra cách đây vài năm mà nhiều người đều biết. Đó là vụ Vũ Trung Hiếu (SN 1974 ở khu Vạn Lộc, phường Tứ Minh, TP Hải Dương), cán bộ kho bạc nhà nước tỉnh Hải Dương đấm chết vợ.

Thói vũ phu của chồng khiến người vợ này bị gãy 13 cái xương sườn, tim bị vỡ tâm thất. Lời khai tại cơ quan điều tra cho thấy Hiếu có một thói xấu là hay ghen vô lối. Nếu xảy ra cãi vã và kết thúc vấn đề bao giờ cũng là bạo lực.

Cô gái tên Y.H ở Hải Phòng là một trong những người đã từng có thời gian tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên dành cho nạn nhân bạo lực gia đình. Tuổi thơ H. luôn ám ảnh đáng sợ với hình ảnh người cha nhúng chiếc áo đồng phục trắng của H. vào phân rồi bắt cô mặc đến trường.

Thế mà H. đã có một thời gian rất dài của tuổi ấu thơ phải sống với cha mẹ mà không hề được tiếp nhận một biện pháp cấm tiếp xúc để cách ly nào từ phía các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Giờ đây, kể cả khi đã trưởng thành H. vẫn không thể quên và sợ hãi với chính người cô gọi bằng cha mẹ.

“Cháu khiếp sợ bố và cảm giác lại ập về mỗi khi có gì đó gợi nhớ đến ông ấy”, H rùng mình nhớ lại. Hai trường hợp BLGĐ nói trên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia về gia đình, nếu như biện pháp cấm tiếp xúc được áp dụng thì hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra.

Với mục tiêu đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân cũng như giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình, Luật Phòng chống BLGĐ có quy định về việc cấm người có hành vi bạo lực đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để có hành vi bạo lực với nạn nhân (K1 Điều 19). Nhưng cũng theo luật, để biện pháp này được áp dụng thì nạn nhân BLGĐ phải có đơn yêu cầu hoặc nếu người giám hộ, người đại diện hợp pháp làm đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân. 

Theo bà Nguyễn Hà Phương – Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương thì điều này chưa khả thi, không phù hợp thực tiễn. “Do hầu hết nạn nhân bị bạo lực là người vợ, người con trong đó nhiều người bị phụ thuộc vào người chồng về kinh tế nên dù bị đối xử tàn nhẫn nhưng họ vẫn cam chịu, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực.

Vì vậy, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc là phải có đơn yêu cầu của nạn nhân, có sự đồng ý của nạn nhân là chưa phù hợp thực tiễn và chưa bảo vệ được các nạn nhân của BLGĐ là phụ nữ và trẻ em ” – bà Phương phân tích.

Cũng nói về vấn đề này, Thạc sĩ - luật gia Hoàng Kim Chiến nguyên Cục Phó Cục Công tác phía Nam Bộ Tư pháp cho rằng, trên thực tế, quy định về nơi ở khác bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân BLGĐ tự nguyện chuyển đến ở đã gần như mặc định người phải rời nhà đi là nạn nhân chứ không phải là người có hành vi BLGĐ.

“Luật cũng quy định biện pháp cấm tiếp xúc được thực hiện trong thời hạn không quá ba ngày. Thời hạn cấm tiếp xúc này chưa phù hợp với thực tế, chưa tạo được cơ sở pháp lý an toàn cho nạn nhân, người tố giác, cung cấp thông tin về  phòng chống BLGĐ. Do đó, cần tăng thời hạn thực hiện biện pháp cấm tiếp xúc”, theo Thạc sĩ - luật gia Hoàng Kim Chiến. 

Nghịch lý vừa bị bạo hành lại mất tiền nộp phạt

Liên quan đến vấn đề tiền phạt trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi BLGĐ, phát biểu tại cuộc hội thảo khoa học “10 năm thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình – thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTTDL tổ chức, TS. Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã “ưu tiên”  dùng từ “khó”. 

Theo phân tích của TS Cầu, NĐ 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong nhiều lĩnh vực trong đó có BLGĐ quy định phạt tiền tối đa 300 nghìn đồng với hành vi BLGĐ liên quan đến cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ, nhưng với người có điều kiện kinh tế thì mức phạt tiền trên không có ý nghĩa răn đe gì với họ.

Còn đối với người có điều kiện kinh tế khó khăn thì lại càng phản tác dụng vì bị nộp phạt mà họ lại quay sang trút giận lên nạn nhân bằng hành vi bạo lực kinh khủng và tinh vi hơn. Ngoài ra, nhiều trường hợp người gây bạo lực không có thu nhập thì người bỏ tiền đi nộp lại chính là nạn nhân. Vừa bị BLGĐ, vừa mất tiền thì thử hỏi ai còn muốn tố cáo. 

Cũng theo TS Cầu, NĐ 167 có quy định phạt tiền đến 1 triệu đồng với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. Vậy câu hỏi đặt ra là mức độ lăng mạ, chì chiết, xúc phạm đến như thế nào thì bị xử lý và lấy gì làm căn cứ khi không có sự chứng kiến, giám sát hành vi ngay tại thời điểm đó.

Cũng như trên, với người giàu thì mức phạt không răn đe, với người nghèo thì ảnh hưởng kinh tế gia đình. Mà đã ảnh hưởng thì chẳng người vợ/chồng nào lại đi khai báo với cơ quan chức năng về một câu xúc phạm của chồng/vợ mình để rồi bị mất tiền. 

“Có thể bỏ chế tài phạt tiền chồng/vợ khi có hành vi bạo lực mà dùng hình thức chế tài khác như bắt lao động công ích tại địa phương, tạo nên tiếng nói dư luận thì hiệu quả phòng chống BLGĐ sẽ cao hơn” - TS. Lương Văn Cầu đề xuất. 

(còn tiếp)

Mời độc giả đón đọc Bài 3: Phòng chống BLGĐ – bao giờ các cơ quan thực thi thoát “vòng kim cô”? trên số báo ra ngày 14/12.

Đọc thêm