Người dân trong các khu nhà A tập thể Tân Mai (Hà Nội) không dám đầu tư sửa sang quá nhiều cho căn hộ của mình vì e phải chuẩn bị di chuyển, trong khi dân cư khu B6 Giảng Võ mòn mỏi chờ ngày được trở về “mái nhà xưa”.
Thấp thỏm đi – về
Gần chục năm nay, từ khi các quy hoạch cải tạo chung cư, đồ án thiết kế khu chung cư mới được công bố, người dân khu nhà A tập thể Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) sống trong tâm trạng thấp thỏm. Tại khu nhà A7, thời gian đầu, để cho dân nhanh “thông” với kế hoạch di chuyển, đền bù, tạm cư, tái định cư…, một biển báo “Khu vực nguy hiểm” được treo ngay trên lối vào cầu thang, là chỗ di chuyển chính của 40 hộ gia đình, khiến ai ra vào cũng thấy ái ngại. Đồng thời, tổ dân phố cũng “lưu ý” người dân về việc sẵn sàng di dời khi Nhà nước có thông báo.
“Biển báo nguy hiểm treo lơ lửng suốt một thời gian dài trên đầu người dân, nhưng chờ mãi mà tiến độ cải tạo chung cư không tiến triển hơn. Thế rồi, đến khi thị trường hết “sốt”, một ngày công ty quản lý nhà lại cho thợ đến “gia cố” kèo sắt vào cầu thang” – anh Hải, một người dân sống trong khu nhà, cho biết. Biển báo nguy hiểm được gỡ đi, người dân lại được thông báo khu nhà tạm thời đủ an toàn để ở.
Nhưng dưới con mắt một người làm nghề, anh Hải cho rằng các kèo sắt kia cùng bảng thông báo rõ ràng chủ yếu là “đòn tâm lý” chứ không hề giúp cải thiện tình trạng khu nhà. “Thế nhưng, các hộ dân trong khu nhà không ai dám cải tạo, sửa sang hay đầu tư gì nhiều, e một ngày ngủ dậy lại được thông báo chuẩn bị di dời, dù chưa biết ngày đó nhanh hay chậm” – anh Hải phàn nàn.
Ngược với tâm lý thấp thỏm ngày đi thì hàng trăm người dân khu B6 Giảng Võ lại chưa biết ngày nào mới quay lại được nhà cũ. “Khi họp dân để di dời, cải tạo nhà B6 tại vị trí đất “vàng” gần hồ Giảng Võ, chủ đầu tư hứa không quá 2 - 3 năm dân sẽ được quay trở lại, thế mà giờ đây 5 – 6 năm trôi qua, công trường vẫn là nền móng dở dang, hoen gỉ – chị Thu, một cư dân khu nhà, phàn nàn – Nghe bảo, chủ đầu tư dừng thi công, đầu tiên do thành phố không cho phép làm nhà cao đủ số tầng chủ đầu tư bù lỗ được, rồi giờ thì đang chờ điều chỉnh hợp khối nhà B7. Không biết khi nào cảnh sống tạm bợ của chúng tôi mới chấm dứt”.
“Giậm chân tại chỗ”
Phải khẳng định nhiều năm qua, việc cải tạo chung cư cũ chuyển biến rất chậm. Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện còn khoảng 23 khu chung cư cũ từ 4-5 tầng với tổng diện tích sàn khoảng 1 triệu m2, là nơi sinh sống của trên 30.000 hộ dân, cùng với khoảng 10 khu nhà ở tập thể thấp tầng khác cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.
Thế nhưng, Hà Nội mới hoàn thành hơn 1% kế hoạch cải tạo chung cư cũ, trong đó mới chỉ tập trung giải quyết các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D buộc phải di dời để bảo đảm an toàn cho người sử dụng như khu B4, B14 Kim Liên; 187 Tây Sơn; C7, D2 Giảng Võ... và khởi công xây dựng mới chung cư N3 tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ.
Cách đây chưa lâu, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư, biệt thự cũ xuống cấp trên địa bàn. Nhiều giải pháp đưa ra, trong đó có việc cho phép người dân trong phạm vi dự án góp vốn tham gia thực hiện cùng nhà đầu tư. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến độ cải tạo chung cư cũ Hà Nội đang bế tắc. Thế nhưng, chính sách mới của Hà Nội dường như “lọt thỏm” trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn chìm đắm trong cơn bĩ cực.
Nhớ lại trước đây, khi thị trường “sốt nóng”, có doanh nghiệp còn tìm đủ mọi phương thức, kể cả vượt khung đền bù, hỗ trợ, để giành lấy những dự án cải tạo chung cư cũ có vị trí đẹp. Dự án cải tạo nhà B6 Giảng Võ là một trong những ví dụ như vậy. Đến nay, dù dự án có “đắc địa” thì nhà đầu tư cũng đành “ngoảnh mặt làm ngơ”.
“Nếu có được hưởng chính sách ưu đãi, được bù đắp bằng một dự án khác khi thực hiện cải tạo chung cư cũ cũng không hấp dẫn được doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay. Vấn đề là làm dự án thì bán cho ai? Những dự án “hoán đổi” chắc chắn sẽ ở xa trung tâm. Ở những vị trí đó, nhiều doanh nghiệp được giao đất, đã giải phóng mặt bằng còn không dám làm tiếp, huống hồ là triển khai từ đầu” – một doanh nghiệp chia sẻ.
Trong thông điệp gần đây nhất về vấn đề cải tạo chung cư cũ, thành phố Hà Nội cho hay sẽ rà soát để tháo gỡ khó khăn của từng dự án, đồng thời cương quyết thu hồi dự án chậm triển khai để thúc đẩy quá trình cải tạo chung cư cũ.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn chuyên môn, Kiến trúc sư Lê Minh Hải (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, thành phố vẫn cần cương quyết bảo vệ quy hoạch của mình, để cải tạo chung cư cũ không chỉ tạo chỗ ở đảm bảo hơn cho mỗi gia đình mà còn giữ được cảnh quan hài hòa của đô thị, không vì vội vàng giải quyết tình thế mà tạo ra những khu chung cư “xôi đỗ”, càng làm cho bộ mặt đô thị xấu hơn.