Lên chiến khu – Mộng đẹp của mọi thanh niên lập chí
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe sinh ngày 1/6/1912 tại làng Do Lộ, Thanh Oai, Hà Đông trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông là cháu 5 đời cụ nghè Vũ Tông Phan, người đã được đặt tên cho một tuyến phố tại Hà Nội. Bố ông là thầy đồ nho mở lớp dạy học tại làng Mậu Hòa, Đan Phượng, tỉnh Hà Đông (nay là một thôn của xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội), đó là một lớp học dạy“đủ loại, từ vỡ lòng đến lớp ba, đủ thứ chữ: chữ Hán tam tự kinh, chữ quốc ngữ, đến chữ Tây bập bẹ vài tiếng…”(Vũ Đình Hòe: “Thuở lập thân”).
Từ năm 7 tuổi, Vũ Đình Hòe được ra học ở thành phố Hà Nội, theo học Trường Tiểu học Pháp Việt Yên Phụ bên bờ hồ Trúc Bạch, sau đó lên học Trường Bảo hộ (Trường Bưởi) cạnh Hồ Tây. Năm 1930, ông đỗ Cao đẳng Tiểu học rồi ở nhà tự học thi Tú tài Tây phần thứ nhất, đồng thời dạy học tại nhà. Sau đó, ông vào lớp nhất Trường Trung học Pháp Albert Sarraut học thi tú tài Tây phần thứ hai.
Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật tại Đại học Luật khoa Hà Nội khóa 2. Sau đó ông chọn nghề dạy học tại các trường tư thục nổi tiếng là Thăng Long và Gia Long. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Hội Ánh sáng chống nạn nhà ổ chuột, tối tăm, thiếu vệ sinh, thiết kế mẫu nhà Ánh sáng từ tranh tre, nứa lá (sau này ứng dụng rất hiệu quả trên chiến khu Việt Bắc), tham gia phong trào truyền bá học quốc ngữ, diễn thuyết cổ động phong trào chống nạn mù chữ… Năm 1937 ông lấy vợ, vợ ông là con cụ Nguyễn Văn Khuê, Tổng đốc Thái Nguyên.
Năm 1938, hai bạn thân của ông là Phan Anh và Vũ Văn Hiền nhận được học bổng đi học tiến sỹ luật tại Pháp, ông không tham gia được “vì nặng gánh gia đình, một mình đi làm nuôi 14 miệng ăn”. Ông viết:“Mặc dù bố vợ, bố đẻ, anh ruột tha thiết khuyên tôi “xuất chính”. Tôi “tha thiết” nghề tự do. Không len được vào hàng ngũ luật sư, vì phải làm tập sự 5 năm không lương, tại một văn phòng luật sư đương chức (đại đa số là người Pháp). Tôi chọn nghề dạy học tư vì đã quen nghề…”. (Vũ Đình Hòe: Hồi ký “Vũ Đình Hòe”).
Từ tháng 5/1941 đến tháng 8/1945, ông tham gia nhóm trí thức cấp tiến ra báo Thanh Nghị, phát hành được 120 số. Tôn chỉ mục đích hoạt động của báo được giải thích qua tên báo “Thanh Nghị” như sau:“Thanh nghị trong lịch sử có đặc điểm là tiêu biểu cho tư tưởng của dân. Bởi thanh nghị trước hết là nghị luận của những người xử sĩ, nghĩa là những người không trực tiếp gánh vác việc công, khi những kẻ sĩ ấy sống gần dân chúng, cùng một phe với dân chúng, kẻ xử sĩ cảm thấy những cảm giác và thấu hết tri giác của dân chúng, tinh thần của công chúng. Thanh nghị theo nghĩa đó nay gọi là “dư luận” hay “công luận”. (Vũ Đình Hòe: “Hồi ký Vũ Đình Hòe”).
Tháng 2/1943, thực hiện chính sách rộng rãi, mềm dẻo trong vận động trí thức, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản ra Nghị quyết nhằm “giúp giai cấp tư sản dân tộc và những người trí thức thành lập một đảng cách mạng, mở rộng thêm Mặt trận Tổ quốc dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật Pháp”. Vì vậy Đảng đã giúp cho nhóm sinh viên Dương Đức Hiền và nhóm Thanh Nghị lập ra Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng này đã gia nhập Mặt trận Việt Minh.
Vũ Đình Hòe là một trong các thành viên sáng lập của Đảng Dân chủ Việt Nam (30/6/1944) và giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng. Trong Quốc hội khóa I năm 1946, Đảng này giành 46 ghế. Trong Hồi ký, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe dành một chương để nói về “Tôi tham gia thành lập Đảng dân chủ như thế nào?”.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945) thì nhóm Thanh Nghị phân hóa: một bộ phận tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim, một bộ phận trong đó có Vũ Đình Hòe đẩy mạnh việc tiếp xúc với Việt Minh. Vào một ngày cuối tháng 7 năm 1945, Vũ Đình Hòe khởi hành lên chiến khu, đó là một quyết định mà ông gọi là “Mộng đẹp của mọi thanh niên lập chí ngày đó”. Tuy nhiên, do tình hình khẩn trương, Đại hội Quốc dân đã quyết định tổng khởi nghĩa, mọi người đã quay về xuôi. Ở trung tâm chiến khu chưa đầy một ngày, ông quay về Hà Nội khi cuộc khởi nghĩa cách mạng đang nổ ra và giành thắng lợi.
Từ Bộ trưởng Quốc gia giáo dục đầu tiên
Sau tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28/8/1945 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Quốc gia giáo dục, ông Vũ Đình Hòe giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, ông có nhiều công lao trong việc cải cách giáo dục, đẩy mạnh bình dân học vụ, ông đã tiếp ký Sắc lệnh số 45 ngày 10 tháng 10 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Ban Đại học Văn khoa - tiền thân trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay. Tiếp đó, ông đã ký Nghị định ngày 03/11/1945 (quy định các môn học được giảng dạy tại Ban Đại học Văn khoa) và Nghị định ngày 07/11/1945 về việc tổ chức giảng dạy và nhân sự của Ban Đại học Văn khoa.
Trở thành Bộ trưởng “Tư pháp kháng chiến”
Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra thành công trên cả nước. Do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh không trúng cử Đại biểu Quốc hội nên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được điều động sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ ngày 2/3/1946.
Hồi ký của ông ghi lại tâm trạng của ông trước quyết định khá “đột ngột” này của Chính phủ: “Tôi không giấu được sự choáng váng. Vì biết rõ ở Bộ Tư pháp lúc ấy đang có một số nhân viên, đảng viên Quốc dân, cứ tìm mọi cách vận động lật đổ ông Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh để giành lấy cơ quan chuyên chính này vào tay đảng của họ. Ta nhớ lại lúc đó, Tổng bộ Việt Minh chủ trương nhân nhượng, chia ghế trong Chính phủ lâm thời cho hai đảng Việt Quốc, Việt Cách từ hải ngoại mới về nước…Tôi nghĩ bụng, sang Bộ Tư pháp bây giờ thì khác nào lao đầu vào tổ kiến lửa”.
Ấy thế mà ông đã “trụ vững” và giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp suốt 15 năm sau đó, từ ngày 2/3/1946 đến ngày 15/7/1960.
Vào cuối năm 1948, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có bài viết về “Tư pháp kháng chiến” nhằm thống nhất nhận thức, động viên, thúc giục cán bộ tư pháp hòa mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Mở đầu, Bộ trưởng giải thích yêu cầu của cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện, vì vậy phải mở một mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp, trong việc xử án, bằng việc xử án.
Ông thúc giúc mỗi cán bộ tư pháp phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hy sinh tính mệnh để tranh giành với giặc công việc xử án cho dân, bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ rệt và nó làm cho nhân dân tin tưởng vào chính quyền cách mạng “có khi lại công nhiên mở phiên tòa ngay sát vị trí địch làm cho dân chúng hết sức khoái trá và tin tưởng ở Chính phủ”.
Tư pháp kháng chiến cũng đòi hỏi phải “sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân, quét sạch những di tích bóc lột của chủ nghĩa thực dân, bảo đảm cho người thợ Việt Nam một địa vị xứng đáng…”. Ông cũng phê bình mạnh mẽ những cán bộ tư pháp chỉ vì lý do “vô tư” trong xét xử mà đứng ngoài tư tưởng kháng chiến, đứng ngoài cuộc kháng chiến của dân tộc.
Năm 1957, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe là một trong số 29 thành viên Ban sửa đổi Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban này đã dự thảo ra Hiến pháp năm 1959. Năm 1960, Bộ Tư pháp giải thể (năm 1972, Hội đồng Bộ trưởng mới thành lập Ủy ban Pháp chế), ông chuyển về Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, làm chuyên viên nghiên cứu luật pháp.
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe về hưu năm 1975. Vào hồi 09 giờ 20 phút ngày 29/01/2011, ông từ trần tại Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.
Ngày 22/3/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tới thăm nguyên Bộ trưởng Vũ Đình Hòe tại nhà riêng ở quận Thủ Đức, TP.HCM. Khi đó, cụ Vũ Đình Hòe đã gần 99 tuổi nhưng trông cụ khỏe mạnh, minh mẫn. Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, không riêng gì bản thân Bộ trưởng mà tất cả thế hệ trẻ ngành Tư pháp đều cần học đức tính khiêm tốn của cụ. Trước những tình cảm của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, cụ Vũ Đình Hòe xúc động cảm ơn tình cảm của Bộ trưởng và của cán bộ, công chức ngành Tư pháp và đã dành tặng Bộ trưởng món quà quí: Cuốn hồi ký của cụ với tên gọi “Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh”. Cuốn sách hơn 1.000 trang, là một khối tư liệu khổng lồ, một khối tâm tư nặng trĩu mà một công dân có tuổi cao, một vị cựu Bộ trưởng Bộ trưởng Tư pháp (từ 1946 - 1960) gửi đến người đọc là các thế hệ sau.