Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cam kết sẽ đơn giản hóa những điều kiện kinh doanh có thể hạn chế gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp.
Đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh
Theo kết quả rà soát, đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trên cơ sở Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Bộ Tư pháp có 7 ngành, nghề được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cụ thể là hành nghề luật sư; hành nghề công chứng; hành nghề giám định tư pháp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả; hành nghề bán đấu giá tài sản; hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại; hành nghề thừa phát lại; hành nghề quản tài viên. Tất cả các ngành nghề này đều thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Tiến hành rà soát các điều kiện trên, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 541/BTP-PLDSKT ngày 22/2/2108 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý ngành và đề xuất phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ. Qua đó, trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp có 98 điều kiện kinh doanh. Với tinh thần thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp dự kiến đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ 43 điều kiện, đạt tỷ lệ 44%.
Cùng với việc dự kiến đề xuất đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ Tư pháp nhận thấy một số quy định cụ thể trong 6 Luật (Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Đấu giá tài sản, Luật Phá sản, Luật Trọng tài thương mại, Luật Giám định tư pháp) và 4 Nghị định (Nghị định số 63/2011/NĐ-CP, Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP) cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, kết quả việc rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và xây dựng các văn bản thực thi sẽ được Bộ Tư pháp thực hiện công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp ngay sau khi có phương án cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh để người dân và tổ chức biết và giám sát, đánh giá theo đúng thời hạn quy định. Tuy nhiên, ông Hiển chia sẻ, do cách hiểu về điều kiện kinh doanh chưa có sự thống nhất nên còn khó khăn, lúng túng trong việc rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có thể đơn giản hóa đến 60%
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong một buổi làm việc mới đây với Bộ Tư pháp, ghi nhận Bộ trưởng Lê Thành Long đã chỉ đạo rất sát sao, rà soát và đã dự kiến cắt giảm 43 điều kiện. Bộ trưởng Dũng đề nghị tiếp tục rà soát những gì chồng chéo, chung chung, không lượng hóa được, không cần thiết thì phải cương quyết bỏ.
Theo ông, những điều kiện kinh doanh không cụ thể, không lượng hóa được sẽ vô tình tạo khoảng trống cho cán bộ thực thi công vụ nhũng nhiễu. Chẳng hạn, quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư nhưng không nói rõ thời gian bao lâu, có kinh nghiệm tư pháp quốc tế nhưng không quy định rõ bao lâu là có kinh nghiệm. Hay quy định trụ sở văn phòng phải có diện tích bảo đảm cho việc lưu trữ tài liệu và thuận tiện cho khách hàng…Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng nêu rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là cắt giảm điều kiện kinh doanh không có nghĩa là mở toang cửa, mà vẫn phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường và tạo dư địa tăng trưởng.
Bàn về vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu, Bộ Tư pháp có thể từ chối các văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, thông qua bộ công cụ đánh giá tác động pháp luật. Đối với các điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Tư pháp, ông Hiếu quan niệm, nếu rà soát sâu hơn, rộng hơn, Bộ Tư pháp có thể dự kiến đơn giản hóa đạt tỷ lệ 60%.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cam kết sẽ cho rà soát, nếu cắt được hơn nữa thì sẽ cố gắng để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Nếu là điều kiện làm hạn chế gia nhập thị trường, Bộ sẽ rà soát và đương nhiên sẽ đơn giản hay đối với tiêu chuẩn chung về pháp luật mà đã có quy định chung thì có thể đơn giản được.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Long khẳng định, không nên đồng hóa điều kiện hoạt động hành nghề tư pháp với điều kiện kinh doanh thông thường. Cụ thể, các điều kiện hành nghề với tư cách một nghề chuyên môn thì theo Bộ trưởng Long là Bộ Tư pháp kiên quyết không thể nhất trí “hạ” điều kiện như yêu cầu về đạo đức, tuân thủ pháp luật vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Đơn cử, không thể cho phép một người lừa dối, không đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức mở công ty luật để hành nghề hay một người vì tham vọng nào đó mà xác nhận sai một giao dịch thì không thể trở thành công chứng viên.