Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam – Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng và lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Chủ trì các điểm cầu có các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Bộ Tư pháp có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Đặng Hoàng Oanh cùng lãnh đạo cấp Vụ các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Công tác tư pháp phải mang tính dẫn dắt
Phó Thủ tướng Thường trực và các đại biểu tham dự Hội nghị đã nghe Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2019. Theo đó, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm và xây dựng, ban hành sớm Chương trình hành động, kế hoạch của Bộ, Ngành thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ để triển khai toàn diện các lĩnh vực công tác.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo các bộ, ngành dự Hội nghị |
Công tác chỉ đạo điều hành của toàn ngành được thực hiện quyết liệt, thống nhất, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đã hoàn thành và bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và nhiều nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong năm.
Việc tổ chức tổng kết, đánh giá thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư (Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW, Chỉ thị số 32-CT/TW, Chỉ thị số 33-CT/TW, Chỉ thị số 39-CT/TW), sơ kết thi hành Hiến pháp năm 2013 được thực hiện khẩn trương, đồng bộ.
|
Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương |
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành được đẩy mạnh, Chỉ số xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ tiếp tục được cải thiện, Chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao. Chất lượng hồ sơ các đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được cải thiện; công tác thẩm định VBQPPL ngày càng đi vào chiều sâu.
Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đặc biệt là trong cấp phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm…
Những kết quả trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Đồng tình với Báo cáo của Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành Tư pháp. Bộ trưởng Dũng cho rằng nước ta đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, vận hành theo hướng hội nhập thì công tác tư pháp phải đi trước một bước, mang tính dẫn dắt.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhận thấy có một số bất cập trong xây dựng, ban hành văn bản, nhiều luật nhanh tỏ ra bất cập, 2 – 3 năm đã phải sửa nên ông đề nghị rà soát lại quy trình xây dựng luật. Ngoài ra, ông đề nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý để thúc đẩy đầu tư…
“Công tác tư pháp không phải của riêng ngành Tư pháp”
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hôi nghị |
Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác tư pháp, pháp chế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Việc bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật tiếp tục là thách thức lớn; việc gửi hồ sơ các dự án luật đến Chính phủ, Quốc hội còn chậm so với yêu cầu; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để.
Trong THADS, theo dõi THAHC, còn có một số vi phạm của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án; vẫn còn nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, công chứng vẫn còn có sai sót, tiêu cực; còn xảy ra tình trạng chậm trễ trong cấp phiếu LLTP cho người dân…
|
Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo các bộ, ngành |
Cơ bản đồng tình với Báo cáo của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và những đóng góp âm thầm của Bộ, ngành Tư pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhận xét công tác tư pháp vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể, cần khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật; đồng thời, Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương, làm tốt vai trò “gác gôn” để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
|
Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp |
Bộ Tư pháp cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, chú trọng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực này; tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và những chuyển biến rất nhanh của tình hình thực tiễn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Một lần nữa nhấn mạnh công tác tư pháp không phải của riêng ngành Tư pháp, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật; tạo cơ chế làm việc hiệu quả cho cán bộ tư pháp. Còn với các cán bộ tư pháp, Phó Thủ tướng nhắn nhủ mỗi cán bộ phải tự mình phấn đấu vươn lên, hoàn thiện mình, phải có chí tiến thủ, có lý tưởng, ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ…
|
Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu đáp từ |
Đáp từ, Bộ trưởng Lê Thành Long xin tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và góp ý của các bộ, ngành để tổng hợp, tham mưu các giải pháp tổng thể trong thời gian tới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Nhân dịp này, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ Tư pháp.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Bộ trưởng bày tỏ Bộ, ngành Tư pháp mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ Tư pháp đã phát động phong trào thi đua năm 2020 với chủ đề "Toàn ngành Tư pháp đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, thi đua bứt phá, hiệu quả về đích sớm lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (28/8/1945 - 28/8/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ V"