Bộ Tư pháp được cộng đồng doanh nghiệp chấm đầu bảng

Hôm qua, 28/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chính thức công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI 2011). Mặc dù số điểm không cao, với 59,01/100 điểm, Bộ Tư pháp vẫn đứng  đầu bảng trong tổng số 14 Bộ được cộng đồng DN “chấm điểm”...

Hôm qua, 28/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chính thức công bố chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ (MEI 2011). Mặc dù số điểm không cao, với 59,01/100 điểm, Bộ Tư pháp vẫn đứng  đầu bảng trong tổng số 14 Bộ được cộng đồng DN “chấm điểm”.

Tầm tầm bậc trung

Mặc dù đứng vị trí đầu bảng với 59,01/100 điểm song Bộ Tư pháp cũng chỉ hơn điểm Bộ TN&MT- Bộ đứng cuối bảng 7,64 điểm. Điểm trung bình của 14 Bộ có liên quan chặt chẽ nhất tới DN được 207 hiệp hội DN, đại diện cho trên 419.000 DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh “chấm điểm” là 54,53/100 điểm. Điểm số của các Bộ bám sát nhau ở tất cả các chỉ số thành phần. Hai nhóm hoạt động các Bộ đạt điểm khá nhất là “xây dựng dự thảo VBQPPL” và “tổ chức thi hành pháp luật”.

Theo nhóm nghiên cứu, với kết quả này, MEI 2011 đưa ra một bức tranh toàn cảnh tuy không tối nhưng thiếu điểm sáng về hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ. Trong đó, về tổng thể, không có Bộ yếu kém cũng không có Bộ khá, tốt; giữa các Bộ với nhau, không có Bộ tụt hậu nhưng không có Bộ nổi trội. Đáng chú ý là hiện tượng các Bộ “dàn hàng ngang” trong hiệu quả hoạt động pháp luật không chỉ diễn ra ở Chỉ số tổng hợp MEI 2011 mà ở hầu như trong tất cả các chỉ số thành phần (tức các nhóm hoạt động pháp luật cơ bản).

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang – Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI, điều này đồng nghĩa với việc, theo các hiệp hội DN, không có Bộ nào ở diện “cá biệt” nhưng cũng không có Bộ nào làm được điều khác biệt tích cực vượt trội so với các Bộ khác…

MEI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2353/VPCP-PL ngày 18/4/2011.
MEI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2353/VPCP-PL ngày 18/4/2011.

Việc khó không bỏ, việc dễ lại "buông lỏng"

Có một nghịch lý mà MEI 2011 “phát hiện” ra  trong so sánh giữa các nhóm hoạt động pháp luật của các Bộ là những việc khó không bị các Bộ bỏ qua nhưng những việc dễ thường lại bị các Bộ buông lỏng…

Cụ thể với mảng hoạt động xây dựng pháp luật, hoạt động khá phức tạp và khó định lượng nhất là “xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)” lại đạt điểm trung bình cao nhất là 74,3% tổng điểm cho Chỉ số thành phần này.

Trong khi đó, một số chỉ số liên quan đến nhóm hoạt động không đòi hỏi chuyên môn sâu mà mang tính kỹ thuật, như “lấy ý kiến đối tượng chịu tác động khi soạn thảo VBQPPL” ( chưa nói đến việc tiếp thu ý kiến như thế nào trong sửa đổi văn bản), thì tất cả các Bộ đều dưới điểm trung bình, chưa có Bộ nào đạt 50% điểm dành cho chỉ số này, cho thấy các Bộ chưa thực hiện tốt, chỉ đạt 36,42% mức điểm tuyệt đối. Đáng chú ý, chỉ số  hoạt động cung cấp thông tin - tuyên truyền phổ biến pháp luật, vốn được suy đoán là hoạt động “ăn điểm” của các Bộ nhưng số điểm đánh giá lại chỉ đạt điểm trung bình 53,77% tuyệt đối.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, từ kết quả này, MEI 2011 cho thấy một xu hướng bất hợp lý trong hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các Bộ. Theo đó những nỗ lực của các Bộ, nếu có chủ yếu tập trung vào những hoạt động pháp luật phức tạp mà buông lỏng các hoạt động dễ thực hiện hơn nhưng mang lại hiệu quả và có ý nghĩa không hề kém hơn…

Dư địa còn nhiều

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Dựa vào kết quả của MEI 2011, Chính phủ, các Bộ và cộng đồng có thể nhận biết một cách đầy đủ, hệ thống hơn thực trạng về hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh (từ soạn thảo đến thi hành) của các Bộ. MEI góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị ngày 09/12/2011 về xây dựng và thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật cũng như tăng cường giám sát, bảo đảm minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nhân.

“Kết quả tổng hợp của MEI 2011 cho thấy các Bộ năm 2010 có thể đã thực hiện đủ các chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng chắc chắn các Bộ chưa thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ đó. Hiệu quả hoạt động của các Bộ còn ở khoảng cách rất xa so với kỳ vọng và vì vậy các Bộ còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả ở nhóm hoạt động quan trong này”- TS Lộc phát biểu.

Trong thời gian tới, để đáp ứng mong mỏi chính đáng của cộng đồng DN, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế, cần rất nhiều nỗ lực cải cách, từ tất cả các Bộ, ở tất cả các khía của hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật, những nố lực không chỉ trong việc hoàn thiện phương thức hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn pháp luật mà còn cả những chuyển biến cơ bản trong quan điểm của các Bộ.

MEI được VCCI thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2353/VPCP-PL ngày 18/4/2011 về thực hiện đánh giá thường niên hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các Bộ. Bộ Tư pháp (Viện Khoa học Pháp lý) chỉ tham gia xây dựng các chỉ số thành phần của MEI 2011.

Tổng hợp kết quả MEI 2011 theo thứ tự từ cao đến thấp: Bộ Tư Pháp, Bộ LĐ TB& XH, Bộ KT&ĐT; Bộ NN&PTNT; Bộ Công thương; Bộ KH&CN; Ngân hàng nhà nước; Bộ Tài chính: Bộ TT&TT; Bộ VHTT&DL; Bộ Y tế; Bộ Xây dựng; Bộ GTVT; Bộ TN&MT.

Thanh Thanh

 

Đọc thêm