Báo PLVN đã có bài phản ánh về việc ông Phạm Thanh Hà (tổ 7B phường Quang Hanh, Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) từ chối thụ lý giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại vì cho rằng, đơn gửi khi đã hết thời hiệu. Ngày 19/6/2013, Bộ Tư pháp đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ về việc xác định thời hiệu trong vụ việc này.
Theo đó, Bộ Tư pháp khẳng định, UBND huyện Vân Đồn căn cứ vào đơn yêu cầu bồi thường của ông Hà ghi ngày 4/1/2013, đối chiếu với ngày ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 3033/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 11/10/2010 để kết luận yêu cầu bồi thường của ông Hà đã hết thời hiệu và từ chối thụ lý đơn do quá thời hiệu 2 năm là không đúng quy định của pháp luật.
Hồ sơ thể hiện, ngay sau khi có Quyết định 3033/ QĐ- UBND (đây được coi là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ), ông Hà đã nhiều lần có đơn khiếu nại, trong đó có nội dung yêu cầu bồi thường. Cụ thể là đơn ghi ngày 16/10/2010, ngày 24/4/2011, ngày 6/5/2011…, gửi tới các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết vụ việc, trong đó nêu rõ nội dung yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định.
Về nội dung đề nghị được bồi thường, ngày 28/10/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi UBND huyện Vân Đồn yêu cầu thực hiện bồi thường cho ông Hà theo đúng chế độ chính sách.
Thời điểm này, Luật TNBTCNN đã có hiệu lực nên về nguyên tắc, UBND huyện vân Đồn phải thụ lý giải quyết theo quy định của Luật TNBTCNN đối với những thiệt hại xảy ra do việc ra quyết định tổ chức thu hồi đất trái pháp luật. Tuy nhiên, UBND huyện Vân Đồn đã thụ lý giải quyết thiệt hại đối với ông Hà không theo quy định của Luật TNBTCNN là không đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tư pháp xác định, ông Hà đã thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình ngay sau khi Quyết đinh 3033/QĐ- UBND được ban hành. Không phải đến thời điểm ngày 4/1/2013 ông Hà mới có đơn yêu cầu bồi thường như kết luận của UBND huyện Vân Đồn, mà việc yêu cầu bồi thường của ông Hà phải được tính từ thời điểm ông Hà có đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường lần đầu tại thời điểm ngày 16/10/2010 để tình thời hiệu mới phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN.
Để bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại theo quy định của Pháp luật, Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính tại địa phương mình theo quy định. Theo đó, chỉ đạo UBND huyện Vân Đồn giải quyết bồi thường đối với vụ việc của ông Hà và thông báo kết quả về Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp có cơ sở tổng hợp báo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thiệt hại của ông Hà xảy ra như thế nào?
Vào năm 2004 và năm 2005, UBND huyện Vân Đồn có Quyết định thu hồi đất rừng và đất lâm nghiệp tại xã Ngọc Vừng, tiến hành cưỡng chế GPMB đối với ông Hà để bàn giao đất cho Công ty Cổ phần Đầu tư Sông Đà xây dựng khu du lịch sinh thái Sông Đà- Ngọc Vừng. Nhưng sau đó, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rằng, UBND huyện Vân Đồn đã có sai sót và nhầm lẫn về vị trí thu hồi cũng như chủ sử dụng đất.
Tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 3033/ QĐ- UBND ngày 11/10/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu UBND huyện Vân Đồn đính chính lại Quyết định thu hồi đất năm 2004 (sai vị trí, sai tên chủ sử dụng); hủy bỏ Quyết định cưỡng chế GPMB do dựa vào Quyết định sai sót nêu trên vì việc cưỡng chế GPMB đối với ông Hà không đúng địa chỉ, thực tế người sử dụng đất; Lập phương án bồi thường GPMB đối với ông Hà (Cẩm Phả) theo đúng chế độ, chính sách hiện hành.
Từ đó, ông Hà có đơn đề nghị, nếu UBND huyện Vân Đồn thu hồi lại cả 178 ha (ông Hà được giao năm 1994) mà không giao lại, đề nghị phải bồi thường công tôn tạo và tài sản trên đất. Đặc biệt là phải bồi thường các tài sản có tại diện tích 17 ha thuộc dự án Khu Du lịch sinh thái Sông Đà- Ngọc Vừng, trong đó có 12ha tại bãi cát Trường Chinh từng bị cưỡng chế “oan”. Đồng thời, ông Hà đề nghị xem xét lại tính khả thi của dự án Khu Du lịch sinh thái Sông Đà- Ngọc Vừng.
Khoa Lâm