Bộ Tư pháp thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về CCTP

(PLO) - Hôm qua (21/8), Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình, Ủy viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020. 
Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc
Bộ Tư pháp được đánh giá là Bộ triển khai nghiêm túc, sâu sắc và hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này. 
Thực tế khẳng định sự đúng đắn của chủ trương CCTP
Báo cáo về tình hình triển khai, quán triệt Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cho biết: Thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị, trong thời gian qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nêu tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các định hướng CCTP; chỉ đạo sát sao công tác CCTP của Bộ Tư pháp. 
Một số nhiệm vụ trọng tâm đạt được những kết quả tích cực có thể kể đến như ngành Tư pháp đã giúp Chính phủ tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hoàn thành tốt công tác xây dựng thể chế góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng, chủ trương lớn của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Việc xây dựng các dự án luật lớn do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc CCTP của Bộ, Ngành. Bộ Tư pháp cũng đã chủ động, mạnh dạn và kiên trì thực hiện chủ trương “xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp” theo Nghị quyết số 49-NQ/TW và thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của chủ trương này…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định: “Đến nay có thể khẳng định chủ trương của Đảng ta về cải cách tư pháp, trong đó có lĩnh vực thi hành án theo Nghị quyết số 49-NQ/TW là rất đúng đắn. Việc triển khai các đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP.HCM thành trường trọng điểm về đào tạo luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp đang đi đúng hướng. Công tác đào tạo Trung cấp Luật nhằm đáp ứng nhu cầu cán bộ cơ sở ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả”.  
Bên cạnh đó, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp ngày càng được mở rộng và từng bước đi vào chiều sâu, phục vụ thiết thực hơn cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, CCTP, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới và trong khu vực trong quá trình hội nhập quốc tế. Các kết quả trên đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội đất nước; vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định. 
Để tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và cho ý kiến về những định hướng lớn trong các dự án luật, pháp lệnh thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, các quy định về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện quyền con người nói chung, quyền con người trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho ý kiến chỉ đạo về các nội dung lớn, còn nhiều ý kiến khác nhau trong xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), việc triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại, các giải pháp về phát triển đội ngũ luật sư, trợ giúp viên pháp lý... 
Cần tiếp tục tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác đều đánh giá cao và ấn tượng với những kết quả mà ngành Tư pháp đã đạt được trong việc triển khai Kết luận số 92 của Bộ Chính trị. Các thành viên Đoàn công tác cũng đề xuất, gợi mở nhiều giải pháp để Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả việc triển khai Kết luận này. 
Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, giúp Chính phủ quản lý hiệu quả chất lượng xây dựng các văn bản dưới luật, đảm bảo hơn nữa tính đồng bộ giữa các văn bản luật. Về công tác giám định tư pháp, ông Nguyễn Doãn Khánh đề nghị các ngành liên quan cần sớm có giải pháp đồng bộ tháo gỡ những khó khăn cho công tác này. 
Về sự phát triển của đội ngũ luật sư, ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư khẳng định, đội ngũ luật sư Việt Nam phát triển như ngày hôm nay có công lao rất lớn của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, ông Lê Thúc Anh cho rằng sự phối hợp giữa hai bên còn có thể tốt hơn, hiệu quả hơn nữa nếu hai bên cùng có sự quan tâm sâu sát hơn tới công tác này. Ông Lê Thúc Anh đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Liên đoàn tổ chức tốt Đại hội  đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ 2 trong thời gian tới. 
Đặc biệt đánh giá cao công tác xây dựng thể chế, tính tiên phong trong các đề xuất chính sách, trong công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp của Bộ Tư pháp, ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao lại đề nghị Bộ Tư pháp cần tính “độ rơi” của các đề xuất sao cho phù hợp và dễ được chấp nhận, đồng thời chú trọng công tác đào tạo cán bộ phục vụ các nhiệm vụ cải cách tư pháp. 
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình nhất trí với các nội dung được đề cập tại Báo cáo tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng như các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc. Chánh án Trương Hòa Bình cũng nhất trí với các giải pháp tiếp tục thực hiện Chiến lược CCTP đến năm 2020 đã được Ban Cán sự Đảng bộ Tư pháp xác định. Tuy nhiên, trong công tác này, Chánh án Trương Hòa Bình lưu ý ngành Tư pháp cần tiếp tục tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, làm rõ những vấn đề lớn về CCTP, trong đó có việc thể chế hóa nội dung kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được Hiến pháp 2013 quy định.  
Trong điều kiện chính sách hình sự của Nhà nước ta chủ trương giảm án phạt tù thì việc xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong thời gian tới như thế nào cũng là nội dung được Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp cần quan tâm, nghiên cứu đầy đủ. 
Về công tác đào tạo, Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị ngành Tư pháp tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong việc triển khai các đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh thành trường trọng điểm về đào tạo luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp. Những vấn đề nào còn chưa có sự thống nhất giữa các ngành thì cần tiếp tục thảo luận để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống tư pháp ngày càng hiệu quả. q.m
* Vì sao nhiều người băn khoăn về hiệu quả công tác cải cách tư pháp?
Trước phản ánh của Bộ Tư pháp cho biết còn một số bộ phận nhỏ cán bộ còn băn khoăn, trăn trở về khả năng thực hiện một số nhiệm vụ CCTP trong thời gian tới, như: một số chủ trương lớn, trọng tâm của CCTP triển khai chậm làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho các địa phương trong việc triển khai đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp; sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả…bà Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cho  biết: “Tôi cũng xin nói thật là qua theo dõi công tác này, tôi thấy rất nhiều người còn băn khoăn, chứ không phải một bộ phận nhỏ đâu. Tại sao lại băn khoăn? Vì nhiều nhiệm vụ trong Chiến lược CCTP được đánh giá là đúng đắn nhưng lại chưa được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời”. Để giải tỏa việc “tin tưởng hay không tin tưởng” này, theo bà Lê Thị Thu Ba, trước hết các cơ quan tư pháp cần phải làm gương, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ CCTP đã được đề ra. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương cũng cho rằng: “Ở nhiệm kỳ trước, chúng ta không hoàn thành nhiều nhiệm vụ CCTP do phải chờ sửa đổi Hiến pháp thì bây giờ chính là cơ hội để chúng ta thực hiện các nhiệm vụ này”. 
* Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong công tác xây dựng thể chế: Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết còn chậm, chưa đảm bảo yêu cầu về triển khai thi hành luật, pháp lệnh; vẫn còn tình trạng nợ đọng văn bản.  Trong công tác thi hành án dân sự:  Kết quả thi hành án xong về việc và về tiền tuy cao hơn so với cùng kỳ năm 2013 nhưng chưa có sự đột phá. Việc triển khai thí điểm Thừa phát lại còn chậm so với yêu cầu.  Trong công tác bổ trợ tư pháp: Đội ngũ luật sư ở nước ta hiện nay chưa đủ cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng tăng, tỷ lệ các vụ án hình sự có sự tham gia của luật sư còn thấp, chất lượng tranh tụng trong các phiên tòa, nhất là các phiên tòa hình sự chưa cao…

Đọc thêm