Phát huy trách nhiệm liên ngành
Để thực hiện được nhiệm vụ đào tạo “3 chung”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng phối hợp đào tạo nguồn cho các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư.
Hội đồng có sự tham gia của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn LS Việt Nam và một số cơ quan, đơn vị hữu quan để thực hiện phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác đào tạo các chức danh tư pháp. Mục đích nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP), sử dụng học viên sau đào tạo cũng được đặt ra đối với lực lượng triển khai nhiệm vụ này.
Việc thành lập Hội đồng (dự kiến sẽ sớm được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định trong tháng 4) được coi là giải pháp quan trọng để xử lý những khập khiễng trong công tác đào tạo các chức danh này và đáp ứng yêu cầu về thực hiện chủ trương đào tạo “3 chung”, nhất là việc phát huy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho CCTP thông qua chương trình đào tạo “3 chung”.
Đồng thời, để giải quyết những lo lắng về “đầu ra” của chương trình đào tạo, Bộ Tư pháp cũng được giao chủ trì xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm để ngành Tòa án, Viện kiểm sát tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ nguồn học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo “3 chung” tại Học viện Tư pháp
Phối hợp thiếu nhiệt tình, đẩy khó cho cơ sở đào tạo
Thời gian qua, Học viện Tư pháp đã cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho ngành Tòa án, Kiểm sát và đội ngũ LS để phục vụ cho công cuộc cải cách tư pháp (CCTP) của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phối hợp trong đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư giữa Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn LS Việt Nam vẫn còn một số bất cập.
Cơ chế tuyển sinh đào tạo các chức danh tư pháp không ổn định, thống nhất theo thời gian và đối tượng, kế hoạch đào tạo các chức danh này luôn bị thay đổi và thường là chậm rất nhiều về thời gian theo kế hoạch, gây bị động cho Học viện Tư pháp.
Có giai đoạn việc tuyển sinh học viên thẩm phán bị gián đoạn, thời gian gửi danh sách học viên thường không cố định. Ngành Kiểm sát nhiều năm không gửi học viên đến đào tạo tại Học viện. Chưa có cơ chế điều động, biệt phái thẩm phán, kiểm sát viên tham gia giảng dạy tại Học viện Tư pháp. Việc thực tập của học viên tại các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát chưa hiệu quả do chỉ được “quan sát mà không được thực hành, việc khai thác hồ sơ những vụ án đã xét xử còn hạn chế”.
Cùng với đó, hiện ngoài đội ngũ luật sư, học viên đào tạo các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên là do TANDTC, VKSNDTC cử sang nên lo ngại lớn nhất khi triển khai thí điểm đào tạo “3 chung” và cũng là điểm mắc lớn đối với hiệu quả đào tạo của Học viện Tư pháp là “đầu ra” của nguồn học viên thẩm phán, kiểm sát viêncần có một chủ trương sử dụng, bổ nhiệm thống nhất giữa các ngành.
Dự kiến, Hội đồng phối hợp chỉ đạo công tác đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư sẽ định hướng phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư; quyết nghị về chỉ tiêu, nội dung, chương trình, thời gian, phương thức đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên từ nguồn học viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo “3 chung”, cũng như kế hoạch cử cán bộ của mỗi ngành tham gia giảng dạy, thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề trước khi bổ nhiệm các chức danh tư pháp, luân chuyển một số thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư giỏi về công tác tại Học viện Tư pháp theo nhiệm kỳ phục vụ cho công tác đào tạo các chức danh tư pháp.