Ngày 6/2, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh đã chủ trì các buổi làm việc với các đơn vị liên quan về chỉnh lý dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi) ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung cùng lãnh đạo nhiều đơn vị của Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Vụ, Cục chức năng của Bộ Tư pháp cùng tham dự các buổi làm việc.
Quy định rõ ràng, đầy đủ hơn về tham vấn chính sách
Trên cơ sở các ý kiến đề nghị hoàn chỉnh dự thảo Luật của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 42, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng tiếp tục lược giảm hình thức VBQPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã, Hội đồng nhân dân cấp quận, bổ sung Nghị quyết của Chính phủ với quy định theo trình tự, thủ tục của Luật này là VBQPPL và thay đổi hình thức VBQPPL của Tổng Kiểm toán từ hình thức quyết định sang thông tư.
Riêng đối với hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân quận, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có một số ý kiến đề nghị nghiên cứu thêm, nên giữ lại và nhất là trong bối cảnh thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) có quy định Ủy ban nhân dân là một mô hình, là cơ quan hành chính. Do vậy, cần có một hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân để làm công cụ pháp lý điều hành lãnh đạo, quản lý điều hành. Từ đó, dự thảo Luật dự kiến sẽ quy định hình thức VBQPPL của Ủy ban nhân dân quận.
|
Từ phải qua: Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Kim Nhung tập trung thảo luận từng câu, chữ trong các quy định tại dự thảo Luật |
Về vấn đề phản biện xã hội, dự luật quy định rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Về vấn đề tham vấn chính sách, dự luật đã viết rõ ràng, đầy đủ hơn, dễ hiểu hơn. Với định hướng khâu chính sách và khâu soạn thảo tách riêng, tham vấn chính sách là tham vấn trong quá trình làm chính sách và sau khi có soạn thảo, có dự thảo luật thì vẫn có thể có tham vấn chính sách. Đồng thời, cũng nêu rõ để phân biệt giữa tham vấn chính sách với lấy ý kiến.
Về vấn đề chương trình xây dựng pháp luật và chương trình kỳ họp, trên cơ sở chương trình xây dựng pháp luật chuyển từ thẩm quyền của Quốc hội sang thẩm quyền của Thường vụ Quốc hội, dự luật quy định theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quyền điều hành chương trình, tức là sửa đổi, bổ sung chương trình theo đề nghị của các chủ thể của Chính phủ và các cơ quan có liên quan. Đồng thời, chương trình lập pháp gắn với chương trình kỳ họp, khi xây dựng có định hướng chương trình nhiệm kỳ, có chương trình lập pháp hằng năm, trong chương trình lập pháp hằng năm thì có định hướng các dự án luật trình vào kỳ họp cụ thể, nhưng trong quá trình chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sắp xếp chương trình kỳ họp trên cơ sở chất lượng của các dự thảo Chính phủ trình.
Cơ quan trình, cơ quan thẩm tra đều chịu trách nhiệm
Về quy trình soạn thảo và trình, dự thảo Luật làm rõ hơn vấn đề cơ quan thẩm tra chịu trách nhiệm thẩm tra đến cùng, bảo đảm cơ quan thẩm tra và cơ quan trình đều chịu trách nhiệm nhưng không trùng lên nhau, phải hỗ trợ, phối hợp với nhau. Đồng thời, làm rõ hơn về quy trình soạn thảo và trình một kỳ, quy trình nhiều kỳ nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện sau khi Luật có hiệu lực.
Về vấn đề xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền đối với các vấn đề lớn. Dự thảo luật đang thiết kế theo hướng là trong quá trình soạn thảo thì Chính phủ và cơ quan trình xin, còn khi đã sang đến Quốc hội thì Quốc hội xin. Tuy nhiên, theo ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng nếu cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cuối cùng thì cơ quan trình xin. Trên cơ sở ý kiến này, dự thảo Luật thiết kế các phương án để Quốc hội thảo luận thêm, bảo đảm dù cơ quan nào xin ý kiến thì phải thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ngoài ra, dự thảo Luật đươc tiếp tục chỉnh lý về kỹ thuật lập pháp, từ ngữ, thuật ngữ, cách diễn đạt, các điều khoản cụ thể, áp dụng chuyển đổi số, trong đó, đã chú ý rà soát kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến từ ngữ, khái niệm.