Tập trung thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
Tại Đà Nẵng, với niềm vui lớn khi năm 2024 đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của các cơ quan THADS TP đã thi hành vượt hai chỉ tiêu chính về việc và tiền, nhiều tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế lớn được xử lý dứt điểm, ngay từ đầu năm, Cục THADS đã tập trung chỉ đạo rà soát, xác minh, phân loại xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành án đạt hiệu quả. Ý thức tổ chức và tinh thần trách nhiệm được nâng lên; công tác phối hợp, chỉ đạo giải quyết một số vụ án phức tạp kéo dài được Nhân dân, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ.
Một trong những nhiệm vụ Cục THADS xác định trong thời gian tới là thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tập trung nguồn lực, thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐTW), Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo nhằm tiếp tục tạo chuyển biến tích cực, rõ rệt, cơ bản hơn nữa đối với loại án này.
Toàn ngành sẽ tiếp tục quán triệt, thực hiện đúng, đầy đủ, hiệu quả Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án và Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 27/10/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình mới.
Để nâng cao chất lượng công tác THADS, các cơ quan THADS sẽ tăng cường tổ chức đối thoại với đương sự, lãnh đạo cơ quan THADS thực hiện thường xuyên lịch tiếp công dân theo quy định. Rà soát, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trên địa bàn, không để xảy ra tình hình phức tạp, kẻ xấu lợi dụng kích động; giải quyết kịp thời, có hiệu quả, đúng quy định pháp luật, phù hợp tình hình thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay khi mới phát sinh từ cơ sở, tránh phát sinh việc công dân khiếu kiện đông người, phức tạp, gây mất an ninh, trật tự.
Đối với TP Hồ Chí Minh, địa phương được dự báo sẽ phát sinh khối lượng công việc đặc biệt lớn do phải thi hành nhiều đại án tham nhũng kinh tế, năm 2025 các cơ quan THADS TP xác định sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chủ động, linh hoạt nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong năm ngành sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 04/01/2024 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thi hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS về nội dung này. Tập trung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.
Đồng thời bố trí, sắp xếp đội ngũ công chức được giao nhằm nâng cao chất lượng công chức; thực hiện tốt công tác đào tạo quy hoạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, tăng cường điều động, biệt phái, luân chuyển công chức lãnh đạo, chấp hành viên tại các cơ quan THADS; chủ động đề ra các giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp cho đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên và công chức THADS.
Quyết tâm không để án tồn đọng
Quý I năm 2025, các cơ quan THADS Đồng Nai đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, địa phương và kế hoạch của từng đơn vị, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, về biên chế con người; cùng với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm của lãnh đạo các cơ quan THADS trong tỉnh, của đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký THA và công chức, người lao động trong các cơ quan THADS nên công tác THADS, THAHC trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định. Toàn hệ thống thi hành xong là 4.430 việc (tăng 118 việc so với cùng kỳ năm 2024); đã thi hành xong trên 515 tỷ đồng.
Các cơ quan THADS của tỉnh tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các ngành liên quan ở cấp huyện và cấp tỉnh để tổ chức THADS ngày càng có hiệu quả. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo Cục và các Chi cục THADS cấp huyện quan tâm chỉ đạo giải quyết. Công tác tổ chức cán bộ tại Cục và các Chi cục tiếp tục được kiện toàn; công tác quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản công bảo đảm thực hiện theo đúng quy định; việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và các chế độ đối với cán bộ, công chức, người lao động được quan tâm và thực hiện tốt.
Với phương châm rõ người, rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành, Cục THADS tiếp tục chỉ đạo các chấp hành viên xây dựng kế hoạch giải quyết án với thời gian hoàn thành cụ thể. Trên cơ sở kết quả thi hành án, lãnh đạo Cục sẽ chỉ đạo, chấn chỉnh đối với chấp hành viên, Chi cục THADS cấp huyện giải quyết án đạt tỉ lệ thấp; Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thường xuyên nắm bắt tình hình và tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức ngành Tư pháp, chuẩn mực đạo đức chấp hành viên, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ có sai phạm.
Đối với các cơ quan THADS Lạng Sơn, 3 tháng đầu năm đã chỉ đạo các chấp hành viên thực hiện rà soát toàn bộ các vụ việc đang tổ chức thi hành án mà cơ quan, tổ chức hoặc người phải thi hành án đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định về tiền, tài sản có giá trị lớn, các vụ việc có điều kiện trên 1 năm nhưng chưa thi hành xong, các vụ việc tham nhũng, kinh tế và các vụ việc khó khăn, phức tạp để tập trung mọi nguồn lực giải quyết dứt điểm...
Cục THADS Lạng Sơn cho biết, thời gian tới, sẽ thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục; các kết luận của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục, các văn bản được triển khai kịp thời đến các đơn vị trực thuộc; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các kết luận tại các kỳ giao ban.
Với số lượng việc và tiền ngày càng tăng cao, nhiều vụ án khó khăn, phức tạp trong khi biên chế eo hẹp, Lạng Sơn tập trung nhiều giải pháp trong đó, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị ra quyết định, thụ lý thi hành các bản án do Tòa án chuyển giao có hiệu lực pháp luật đúng thời hạn, thực hiện tốt công tác xác minh phân loại án, thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục, trình tự thi hành án. Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, thụ lý mới không để tình trạng án tồn đọng xảy ra. Ban hành kế hoạch kiểm tra công tác THADS đối với Chi cục THADS các huyện, thành phố. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc tự kiểm tra trong đơn vị để kịp thời, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn áp dụng pháp luật THADS.
Tại Hà Nội, ngoài yêu cầu bám sát địa bàn, cơ sở để THA, tăng cường công tác phối hợp, phát huy vai trò THA trong công tác tham mưu giải quyết việc thi hành khó, phức tạp, Cục THADS yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi hành các vụ việc thuộc diện BCĐTW theo dõi, chỉ đạo; bố trí, sắp xếp chấp hành viên có đủ bản lĩnh, năng lực, trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm để tổ chức thi hành. Kiểm tra chặt chẽ quy trình, thủ tục xử lý tài sản, bán đấu giá tài sản; Tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là Ban Chỉ đạo PCTN,TC, Ban Chỉ đạo THADS và sự phối hợp của các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như hỗ trợ trong quá trình các cơ quan THADS tổ chức thi hành các vụ việc; Chủ động theo dõi, phối hợp với các cơ quan tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, qua đó kịp thời rà soát, nắm bắt tình trạng pháp lý của các vật chứng, tài sản bị tuyên kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thi hành ngay khi bản án, quyết định có hiệu lực thi hành.
Đối với án tín dụng ngân hàng, Cục THADS yêu cầu thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thi hành án, Lãnh đạo cục phụ trách địa bàn chỉ đạo việc theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các vụ việc do Chi cục trực thuộc thực hiện. Chi cục trưởng theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra đối với các vụ việc tại đơn vị mình, báo cáo tiến độ đối với Cục trưởng, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Tổng cục THADS. Thường xuyên tổ chức họp trao đổi, duy trì hình thức đối thoại giữa Lãnh đạo, chấp hành viên và tổ chức tín dụng: chủ động rà soát, kiểm tra để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành; khắc phục ngay các sai sót (nếu có), hạn chế việc khiếu nại, tố cáo. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn.