Xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp
Tại Hàn Quốc, Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền lập pháp; đồng thời cho phép cơ quan hành pháp và các cơ quan khác thực hiện quyền lập pháp đối với các văn bản dưới luật.
Quyền lập pháp ở Hàn Quốc chỉ thuộc về Quốc hội. Một dự luật có thể được trình lên Quốc hội khi có sự đồng ý của hơn 10 nhà lập pháp (nghị viên). Nếu dự luật này dự kiến quy định các biện pháp ngân sách, nghị viên có thể yêu cầu sự giúp đỡ trong việc soạn thảo dự luật từ Văn phòng Tư vấn Lập pháp trong Ban Thư ký Quốc hội.
Mỗi ủy ban của Quốc hội cũng có thể giới thiệu một dự luật về các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình nhân danh chủ tịch ủy ban. Trong trường hợp này, ủy ban có thể thành lập một ban được ủy quyền soạn thảo dự luật và ủy ban có thể thông qua hoặc giải quyết dự luật đã soạn thảo sau khi đặt câu hỏi và trả lời, tranh luận và kiểm tra từng điều.
Cũng theo Hiến pháp, Chính phủ cũng có thể đề xuất dự luật. Các dự luật do Chính phủ khởi xướng được trình lên Quốc hội nhân danh Tổng thống với dự luật có chữ ký của Thủ tướng và (các) Bộ trưởng liên quan. Tòa án Tối cao, Ủy ban Bầu cử Quốc gia và Hội đồng Thanh tra và Kiểm toán không thể đề xuất xây dựng luật mà chỉ được đưa ra ý kiến của mình về việc sửa đổi cần thiết đối với các luật liên quan. Trong trường hợp này, Chủ tịch Quốc hội chuyển ý kiến của họ lên ủy ban liên quan.
Công tác lập pháp trong Chính phủ còn liên quan đến các đạo luật do Chính phủ đề xuất và các văn bản dưới luật bao gồm nghị định thi hành, sắc lệnh của bộ trưởng, thông báo... Các bộ phụ trách nghiên cứu chính sách có thể soạn thảo các dự luật về các vấn đề thuộc thẩm quyền tương ứng của họ. Nếu nội dung của một dự luật có liên quan đến các bộ khác, các bộ liên quan đó sẽ cùng soạn thảo dự luật. Trong khi soạn thảo một đạo luật hoặc các văn bản dưới luật, các quy phạm chính sách phải được thể hiện rõ ràng, khách quan. Các nhà soạn thảo sẽ phân tích và dự báo nội dung của các mục tiêu chính sách, tác động từ việc đạt được các mục tiêu chính sách, nhu cầu tài chính đối với các mục tiêu chính sách, các vấn đề ngẫu nhiên, các lựa chọn thay thế, tác động của chúng đối với hệ thống pháp luật hiện hành…
Trong quy trình lập pháp nói trên, Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia đứng đầu trên thế giới về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật. Tại Hàn Quốc, hệ thống hỗ trợ lập pháp quốc gia được xây dựng trên nền tảng thông tin quốc gia bao gồm 5 mạng thông tin cơ bản trong 5 lĩnh vực: mạng thông tin hành chính (bao gồm các cơ quan hành chính nhà nước), mạng thông tin tài chính (bao gồm các ngân hàng, cơ quan bảo hiểm…), mạng thông tin giáo dục và nghiên cứu (bao gồm các trường đại học và cơ sở nghiên cứu), mạng thông tin quốc phòng và mạng thông tin an ninh quốc gia được hoàn thiện được hình thành từ những năm 1990.
Hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp của Chính phủ Hàn Quốc. (Ảnh chụp màn hình) |
Kể từ năm 2001, Chính phủ Hàn Quốc chủ trương xây dựng Trung tâm thông tin pháp luật quốc gia và hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp. Mục tiêu của quá trình chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật ở Hàn Quốc để đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng hệ thống thông tin pháp luật, đảm bảo quyền được biết của mọi người, cho phép người dân xử lý trực tuyến các thông tin liên quan đến pháp luật một cách thuận tiện, thuận lợi hóa quy trình lập pháp của Chính phủ và mở rộng sự tham gia của công chúng vào quá trình này.
Hiện nay, hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp của Chính phủ Hàn Quốc là một hệ thống thống nhất bao gồm 3 thành tố chính: Hệ thống lập pháp quốc gia; Trung tâm lập pháp có sự tham gia của người dân; Phần mềm biên tập dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Hệ thống hỗ trợ công tác lập pháp được thể hiện dưới dạng một cổng thông tin pháp lý tích hợp toàn bộ vòng đời của một đạo luật vào một hệ thống phần mềm duy nhất, hỗ trợ soạn thảo, thẩm định dự án luật trước khi công bố và ban hành luật.
Tích cực phòng chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật
Hàn Quốc cũng đặc biệt coi trọng phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Từ năm 2006, Hàn Quốc đã luật hóa đánh giá tác động tham nhũng thông qua sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng. Điều 12 của Luật bổ sung: “Kiểm tra các yếu tố gây ra tham nhũng trong các luật và các văn bản dưới luật” là chức năng của Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân.
Ủy ban có trách nhiệm rà soát các yếu tố gây ra nguy cơ tham nhũng trong dự thảo luật, bao gồm: Ủy ban có thể xem xét các yếu tố gây ra nguy cơ tham nhũng trong nghị định của Chính phủ, văn bản của Thủ tướng Chính phủ, văn bản do các bộ ban hành, các chỉ thị, quy định, thông báo, quy tắc và có thể đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm để loại bỏ các yếu tố nguy cơ tham nhũng; Các vấn đề liên quan đến thủ tục và phương pháp xem xét được thực hiện theo sắc lệnh của Tổng thống. Phân tích các hành vi pháp lý nhằm mục đích tìm kiếm và loại bỏ các yếu tố tiềm ẩn có khả năng liên quan đến tham nhũng trong tương lai. Ủy ban có thể đưa ra các hướng dẫn về các chủ đề và tiêu chí, phương pháp và kế hoạch đánh giá tác động tham nhũng để đảm bảo hiệu quả.
Hướng dẫn không chứa bất kỳ định nghĩa nào về “tham nhũng”, nhưng đưa ra một số yếu tố gây ra nguy cơ tham nhũng gồm: mức độ dễ tuân thủ (nhu cầu); mức độ phù hợp của gánh nặng tuân thủ; mức độ đầy đủ của các biện pháp trừng phạt; khả năng đối xử ưu đãi; sự phù hợp của các tiêu chuẩn thực thi; tính cụ thể/tính khách quan của quy định; tính phù hợp của việc ủy thác; sự rõ ràng của các tiêu chuẩn hỗ trợ tài chính; minh bạch hóa thủ tục hành chính; khả năng tiếp cận và tính cởi mở; khả năng dự đoán; khả năng xảy ra xung đột lợi ích. Hướng dẫn tập trung nhiều vào các vấn đề liên quan đến bản chất của phòng ngừa tham nhũng hơn là sự mơ hồ về ngôn ngữ hoặc tính logic của dự thảo văn bản.