Tham dự buổi làm việc có 2 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đặng Hoàng Oanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, 2 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp, Lê Tấn Dũng và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc 2 Bộ.
Cam kết bảo vệ tốt nhất lợi ích của trẻ cho làm con nuôi
Báo cáo về công tác NCN, bên cạnh nêu bật kết quả đạt được của công tác này, Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hảo thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nhu cầu trẻ em tìm gia đình thay thế và mong muốn của các gia đình được nhận nuôi trẻ là rất lớn nhưng không gặp được nhau; một số cơ sở trợ giúp xã hội khi giải quyết NCN còn “gắn” với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi nước ngoài.
Bà Hảo kiến nghị Lãnh đạo 2 Bộ trước mắt chỉ đạo tổ chức thi hành đầy đủ, toàn diện, hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành liên quan tới NCN với tinh thần làm hết trách nhiệm và tất cả vì trẻ em. Còn về lâu dài, cần nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện thể chế về NCN và trẻ em.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chia sẻ bất cập về vấn đề tài chính trong công tác NCN và nêu một số giải pháp đã thực hiện để bạn bè quốc tế hiểu rõ về quyết tâm thực hiện đúng quy định pháp luật về NCN. Đồng tình giải pháp lâu dài là phải hoàn thiện thể chế với tinh thần đảm bảo tốt nhất lợi ích của trẻ, Bộ trưởng Long đề nghị Bộ trưởng LĐTB&XH sớm ký công văn đôn đốc các Sở LĐTB&XH thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật NCN, tăng cường hoạt động kiểm tra định kỳ…
Tán thành phải chấn chỉnh và chấn chỉnh quyết liệt bất cập hiện nay của công tác NCN, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đưa nội dung về NCN vào Báo cáo tình hình trẻ em trình Hội nghị toàn quốc về trẻ em sắp tới. Bộ trưởng còn chỉ đạo từ nay đến trước Hội nghị phải kiểm tra, thanh tra địa bàn nghi ngờ có dấu hiệu không minh bạch về tài chính.
Bộ trưởng Dung cũng nhất trí sẽ ký Công văn nhắc nhở, yêu cầu Giám đốc các Sở LĐTB&XH chỉ đạo chấn chỉnh các cơ sở trợ giúp xã hội và cam kết phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng Công văn để gửi trước ngày 15/7/2018. Về lâu dài, Bộ trưởng Dung mong 2 Bộ sẽ phối hợp hoàn thiện thể chế tốt nhất, sớm nhất nhằm bảo vệ được quyền trẻ em, đồng thời xử lý nghiêm minh các dấu hiệu vi phạm.
Các dự án luật, pháp lệnh của Bộ LĐTB&XH có tác động rất sâu rộng
Cập nhật tình hình, kết quả chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 – 2019, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) Hà Đình Bốn cho biết những công việc đã thực hiện và kế hoạch công việc thời gian tới của Bộ trong việc được phân công soạn thảo 3 dự án luật, pháp lệnh gồm dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Ông Bốn cũng báo cáo một số khó khăn trong quá trình xây dựng Hồ sơ các dự án và mong Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, cử cán bộ có kinh nghiệm tham gia với Bộ LĐTB&XH trong soạn thảo, chuẩn bị các tài liệu trong Hồ sơ, nhất là khâu thẩm định…
Nhận thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Bộ LĐTB&XH tới đây là rất nặng nề, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ rõ Bộ LĐTB&XH còn phải nghiên cứu 2 Nghị quyết 27 và 28 mới đây của Ban Chấp hành Trung ương Đảng để kịp thời bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và đưa vào Chương trình 2020 nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng.
Các dự án luật, pháp lệnh Bộ LĐTB&XH được phân công soạn thảo, trong đó có Bộ luật Lao động sửa đổi rất quan trọng, tác động đến từng con người nên Bộ trưởng Long đề nghị Bộ LĐTB&XH xác định đúng thứ tự ưu tiên, tập trung cao độ ngay từ đầu, đảm bảo tính khả thi của từng dự án và sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH trong quá trình xây dựng.
Trên cơ sở này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đồng ý xác định thứ tự ưu tiên của các dự án, trong đó hàng đầu chính là Bộ luật Lao động sửa đổi, còn với Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì sẽ nghiên cứu sửa Nghị định 126 hướng dẫn Luật này trước rồi mới tiến tới sửa Luật hay Pháp lệnh cũng sẽ tiến hành sau vì nội dung sửa đổi đã rõ ràng.
Riêng với Bộ luật Lao động sửa đổi, trong số các nội dung cần sửa đổi, Bộ trưởng Dung điểm lại nội dung cần chú trọng về tuổi nghỉ hưu, chính sách tiền lương, quan hệ lao động. Theo Bộ trưởng Dung, đây là dự án quan trọng nhất, đáng lưu ý nhất nhằm bảo đảm tính đồng bộ, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành nhưng phải tạo đột phá trong lĩnh vực này…