Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều tra tài nguyên du lịch: Hướng đến tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam có nhiều lợi thế về thiên nhiên, phong cảnh, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những tài nguyên này sẽ chỉ là “viên ngọc thô” nếu không được hỗ trợ, mài giũa đúng cách.
Du lịch Việt Nam còn nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa chưa được khai thác. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)
Du lịch Việt Nam còn nhiều tài nguyên thiên nhiên, văn hóa chưa được khai thác. (Ảnh minh họa: Hồ Tùng Phương)

Nhiều tiềm năng chưa được khai phá

Nhờ sự phát triển của ngành Du lịch những năm gần đây, người dân ở nhiều địa phương đã có thêm kế sinh nhai, tăng nguồn thu nhập, cải thiện đời sống, xã hội, đóng góp không nhỏ cho việc phát triển kinh tế nước nhà.

Như tỉnh Hà Giang xác định phát triển du lịch gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Sau nhiều năm tích cực truyền thông về du lịch và tạo nên những sản phẩm du lịch chất lượng gắn với thiên nhiên, văn hóa bản địa, hiện tại, Hà Giang không chỉ lưu giữ được bản sắc mộc mạc, nguyên sơ mà còn tăng thu nhập cho các hộ gia đình lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.

63 tỉnh, thành phố ở với Việt Nam, với khí hậu, địa hình và sự đa dạng của văn hóa vẫn đang còn rất nhiều “viên ngọc thô” đầy tiềm năng du lịch đang chờ được khai phá. TS Nguyễn Thị Phương Nga, Khoa Du lịch, Đại học Phenikaa từng nhận định du lịch ở Việt Nam đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đặc trưng, nhưng so với nguồn văn hóa, tài nguyên phong phú của đất nước ta thì việc phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng.

Như Đồng Tháp Mười ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có bề dày lịch sử, văn hóa với nhiều chùa chiền, tượng Phật đá với độ tuổi lên đến cả trăm năm. Ngoài ra, tỉnh còn có thảm thực vật phong phú, khu bảo tồn sinh thái với hơn 10 nghìn loài chim, cùng nhiều làng nghề truyền thống sản xuất hàng loạt những món đồ thủ công, mứt kẹo độc đáo. Đây là một nơi có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực... nhưng các nguồn tài nguyên chưa được tận dụng, phát triển triệt để.

Một số tỉnh, thành khác dù đã có những địa điểm du lịch chủ đạo, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những tài nguyên khác đang chờ được “đánh thức”. Ví dụ: Mỗi năm tỉnh Quảng Nam thu hút khách du lịch với Phố cổ Hội An, rừng dừa Bẩy Mẫu, bãi biển An Bàng, song tỉnh vẫn còn nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa khác đang bị “bỏ ngỏ” như Bãi Sậy - Sông Đầm (TP Tam Kỳ), đảo Tam Hải (Núi Thành), khu bảo tồn voọc chà vá chân xám (Tam Mỹ Tây, Núi Thành)...

Cần hệ thống cơ sở dữ liệu toàn quốc

Dù hiện tại Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch đặc trưng, nhưng vẫn cần tiếp tục mở rộng, phát huy hết tiềm năng về thiên nhiên, văn hóa ở các tỉnh, địa phương. Một trong những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam là sự kết nối giữa các ban, ngành trong xã hội và khai thác thế mạnh từng điểm đến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu từng nhận định du lịch Việt Nam phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp, bộ ngành để hình thành chuỗi giá trị cung ứng hiệu quả. Đặc biệt, cần phải đầu tư các sản phẩm du lịch liên vùng, chuỗi giá trị các địa phương theo điểm đến.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch nhằm hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.

Theo đó, đối tượng điều tra là tài nguyên du lịch tự nhiên bao gồm cảnh quan thiên nhiên, các yếu tố địa chất, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái và các yếu tố tự nhiên khác có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Việc tổ chức, điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời điểm tiến hành điều tra bắt đầu từ năm 2024 và dự kiến thực hiện trong 05 năm.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, để thúc đẩy du lịch Việt đi lên, cần tăng cường “những cái bắt tay”, kết nối giữa các các doanh nghiệp, công ty du lịch - lữ hành và địa phương nhằm đầu tư, khai thác, truyền thông cho những điểm du lịch mới.

Đọc thêm