Lời mời từ vùng đất “sơn ca làm cơm trà, rượu ngon kính người thân"

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân dịp “Ngày trà quốc tế” lần thứ năm, hôm nay (21/5), tại Hà Nội, Trung tâm văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội cùng Sở Văn hóa và Du lịch Quảng Tây tổ chức hoạt động “Hội thảo văn hóa: Trà và thế giới - Nhã tập” và Hội nghị xúc tiến du lịch, văn hóa, gửi lời mời tới du khách Việt Nam từ vùng đất “sơn ca làm cơm trà, rượu ngon kính người thân".
Một góc trưng bày giới thiệu văn hóa trà của Quảng Tây.
Một góc trưng bày giới thiệu văn hóa trà của Quảng Tây.

Phát biểu tại sự kiện, ông Vương Quần - Công sứ đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định vai trò của trà trong đời sống nhân dân hai nước, và trong mối quan hệ ngoại giao của hai quốc gia: “Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017 và 2021 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Việt Nam năm 2017 và 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai Tổng bí thư đã dùng trà đón tiếp nhau và đạt được nhiều thỏa thuận chung.”

Bày tỏ niềm tự hào về văn hóa trà của Trung Quốc, ông cho biết: Hơn bốn nghìn năm lịch sử, người Trung Quốc đã lấy trà làm thuốc và cả thức ăn. Vào thời Đường hơn 1400 năm trước, trà bắt đầu trở thành thức uống phổ biến của người Trung Quốc. Cho tới ngày nay, trà Trung Quốc vô cùng đa dạng phong phú, quá trình làm trà cũng rất cầu kỳ. Các khu vực và dân tộc khác nhau đã tạo nên rất nhiều phong tục và cách thưởng trà đặc sắc.

Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện.

Các đại biểu chụp ảnh tại sự kiện.

"Kỹ năng pha trà truyền thống thành thục và phát triển của Trung Quốc cũng như vị trí của trà trong thực tiễn cuộc sống phản ánh sự sáng tạo và đa dạng văn hóa của dân tộc Trung Hoa.. Năm 2022, "Kỹ thuật pha trà truyền thống của Trung Quốc và các phong tục có liên quan" đã được đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, trở thành kho báu chung của toàn nhân loại.” – ông chia sẻ.

Ông Vương Quần khẳng định: Trà đã xuyên qua dòng chảy lịch sử, vượt qua biên giới quốc gia, và nhận được sự yêu mến của người dân trên toàn cầu, trở thành một trong ba loại đồ uống chính trên thế giới, là cầu nối giúp người dân Trung Quốc và thế giới làm quen, tìm hiểu lẫn nhau, để văn minh Trung Hoa và văn minh thế giới được giao lưu học hỏi, đồng thời trở thành tài sản chung của nền văn minh nhân loại.

Ông mong muốn qua hội thảo và sự kiện xúc tiến du lịch, sẽ được chào đón thêm nhiều bạn bè Việt Nam đến thăm và du lịch trải nghiệm tại Quảng Tây và các địa điểm khác của Trung Quốc.

Ông Hà Văn Siêu – Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - phát biểu tại sự kiện.

Ông Hà Văn Siêu – Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - phát biểu tại sự kiện.

Chào mừng sự kiện "Trà hài hòa thế giới – Nhã Tập" được tổ chức tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu – Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam – khẳng định Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia có sự tương đồng về văn hóa và tình hữu nghị do các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước giao lưu và tìm hiểu văn hóa du lịch.

Theo thông tin từ ông Siêu, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch với 6 địa phương của Trung Quốc gồm: Ma Cao, Giang Tô, Triết Giang, Sơn Đông, Tứ Xuyên và Trùng Khánh.

Trước đại dịch Covid-19, năm 2019, Trung Quốc là thị trường hàng đầu gửi khách đến Việt Nam với trên 5,8 triệu lượt, chiếm khoảng 30% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cũng là thị trường gửi khách lớn thứ hai của Trung Quốc (chỉ xếp sau Myanmar) với gần 8 triệu lượt khách Việt Nam (bao gồm cả khách du lịch trong ngày xuất biên nhập biên).

Năm 2023, Việt Nam đón trên 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục 30% so với thời điểm 2019. 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón gần 1,25 triệu lượt khách Trung Quốc, khôi phục hơn 73% so với cùng kỳ 2019. Việt Nam cũng gửi nhiều đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Lượng trao đổi khách giữa hai bên thời gian qua đã có sự phục hồi đáng kể nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hữu nghị và quan hệ tốt đẹp giữa hai bên. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển du lịch của cả hai bên còn rất lớn và cần được đẩy mạnh khai thác.

Về Quảng Tây, ông Siêu nhận định: “Quảng Tây với những cảnh đẹp tự nhiên kỳ vĩ, di sản văn hóa, đặc sản lâu đời và ẩm thực độc đáo, luôn là điểm đến lý tưởng cho du khách Việt Nam mong muốn khám phá và trải nghiệm sự đa dạng văn hóa.”

Theo ông, Hội thảo hôm nay không chỉ là một dịp để quảng bá và xúc tiến du lịch Quảng Tây mà còn là cơ hội để thúc đẩy trao đổi khách giữa hai nước, tăng cường sự giao lưu, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch bền vững.

“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, giao lưu du lịch văn hóa giữa Việt nam và tỉnh Quảng Tây nói riêng, cũng như Trung Quốc nói chung, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch trong tương lai. “Chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân hai nước có thể trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp của nhau thông qua du lịch” – ông Siêu nói.

Cũng tại sự kiện, ông Hoàng Diệu Lâm - Phó giám đốc Sở Văn hóa và du lịch khu tự trị dân tộc Choang – Quảng Tây – Trung Quốc – cũng bày tỏ niềm tự hào về vùng đất “nước non tươi đẹp kỳ vỹ” của mình, với nhiều tiềm năng du lịch: Quế lâm lừng danh thế giới, di sản văn hóa Hoa Sơn cổ xưa thần bí… rất được du khách ưa chuộng. “Chúng tôi sẵn sàng chào đón bạn bè Việt Nam đến thăm Quảng Tây, du ngoạn cảnh sắc non xanh nước biếc, trải nghiệm phong tục tập quán dân tộc, thưởng thức ẩm thực, và rượu ngon của quảng tây, cũng như cảm nhận tình cảm chân thành “sơn ca làm cơm trà, rượu ngon kính người thân" của người dân Quảng Tây” – ông gửi lời mời tới người dân, du khách Việt Nam.

Tại sự kiện hôm nay, cùng với việc giới thiệu văn hóa trà, các điểm đến đặc sắc của Quảng Tây, các vị khách mời cũng đã được tham dự không gian văn hóa trà, ngắm các tuyệt tác thiên nhiên của Quảng Tây qua hình ảnh, và được tham khảo các tour tuyến du lịch hấp dẫn cho du khách đang muốn tham quan Quảng Tây.