Cụ thể, dẫn số liệu từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: “Trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9,14 tấn salbutamol về VN. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định”.
Thông tin trên đã làm người tiêu dùng vô cùng hoang mang bởi nếu đúng như vậy thì đã có quá nhiều chất tạo nạc được tuồn vào sử dụng trong chăn nuôi lợn và nguyên nhân là do lổ hổng trong quản lý của các cơ quan chức năng. Cụ thể ở đây là sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đã tạo cơ hội cho loại chất cấm trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải, Bộ Y tế đã có phản hồi và khẳng định số liệu mà Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT đưa ra là chưa chính xác. Cụ thể, Bộ Y tế cho hay, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5,215 tấn chất salbutamol. Năm 2014, nhập về 3,876 tấn chất salbutamol chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9,14 tấn salbutamol như thông tin đã đăng tải trên một số báo thời gian qua.
Đặc biệt, về thông tin “chỉ 10kg chất salbutamol trong số thuốc này được nhập về Việt Nam được sử dụng đúng quy định”, Bộ Y tế khẳng định là hoàn toàn không có cơ sở.
|
Nhiều trang trại chăn nuôi heo sử dụng chất cấm Sabutamol gây nguy hiểm đến sức khỏe của người tiêu dùng . |
Về vấn đề phối hợp giữa hai Bộ Y tế và NN&PTNT lỏng lẻo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất cấm salbutamol bị sử dụng tràn lan như hiện nay, Bộ Y tế cho hay, Bộ NN&PTNT mới ban hành thông tư về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam, trong đó có Salbutamol. Tuy nhiên, khi ban hành Thông tư này, Bộ Y tế không được tham khảo ý kiến cũng như không nhận được từ Bộ NN&PTNT để phối hợp quản lý.
Bộ Y tế khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức.
Tuy nhiên, ngay khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nguyên liệu salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, ngày 20.11.2015, Bộ Y tế đã có văn bản thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra và đã xử lý các đơn vị vi phạm như đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc.
Về lâu dài, Bộ Y tế đã đề nghị đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (như nguyên liệu Salbutamol trong ngành nông nghiệp) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt". Nội dung này đã được Thường vụ Quốc hội đồng ý để trình Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp lần thứ 11./.